Nhóm ngân thương mại nhà nước đồng loạt giảm lãi suất huy động
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 25/7, biểu lãi suất của các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã có sự điều chỉnh.
Cụ thể, so với biểu lãi suất vào ngày 19/6, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng từ 4,1%/năm xuống còn 3,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng, 5 tháng giảm từ 4,6%/năm xuống còn 4,1%/năm; các kỳ hạn 12 tháng và trên 12 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống 6,3%/năm.
Tại Ngân hàng NN-PNNT Việt Nam (Agribank) kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng giảm từ 3,4%/năm xuống 3,3%/năm; các kỳ hạn 13 tháng đến 24 tháng giảm từ 6,3%/năm xuống 6,0%/năm; kỳ hạn 3 tháng, 5 tháng, 6 tháng… giữ nguyên.
Lãi gửi kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm từ 3,4%/năm xuống 3,3%/năm; các kỳ hạn còn lại giữ nguyên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi gửi kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng từ 3,4%/năm xuống còn 3,3%/năm. Các kỳ hạn còn lại giữ nguyên.
Bảng so sánh mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng. |
Như vậy, sau đợt điều chỉnh này, lãi suất huy động tại các đơn vị thuộc nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã về mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, một số ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 72.000 tỷ đồng, tăng 7,69% (tăng 5.139 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn từ tiền gửi ước đạt 71.250 tỷ đồng (chiếm 98,96% nguồn vốn huy động).
Đinh Hằng
Ý kiến bạn đọc