Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò "cầu nối" giúp dân thoát nghèo

08:33, 04/07/2023

Những năm qua, các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Ea Kar đã làm tốt vai trò "cầu nối" giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (NHCSXH) để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar hiện đang thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua bốn tổ chức chính trị, xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), với tổng dư nợ ủy thác gần 566 tỷ đồng (với 380 tổ tiết kiệm và vay vốn), cho 14.342 hộ vay, chiếm 99% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Thông qua việc ủy thác cho vay, nguồn vốn tín dụng đã được chuyển tải đến người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện và kịp thời.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar và Hội LHPN xã Ea Sar kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của hội viên.

Nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH nhiều năm nay, hiện Hội LHPN xã Ea Sar đang quản lý tổng dư nợ là 23 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Sar Bế Thị Ngân, hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã chủ yếu làm nông nghiệp. Tuy nhiên, do thời tiết ngày càng diễn biến thất thường khiến năng suất cây trồng, vật nuôi giảm, giá cả lại bấp bênh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chị em. Do đó, thông qua nguồn vốn ủy thác của NHCSXH, hội đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình hội viên, phụ nữ được vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Riêng trong năm 2022, hội đã tạo điều kiện cho hơn 150 hộ được vay vốn theo Chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, với mức vay dao động từ 30 - 50 triệu đồng/hộ.

Để nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, cùng với việc giải ngân, giám sát và quản lý nguồn vốn, hội cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, bảo đảm vốn vay đến đúng đối tượng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng kỳ hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn gắn với những mô hình kinh tế hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, hội không có nợ quá hạn. Những hộ được tiếp cận vốn vay đã tích cực lao động, sản xuất, đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn 2) là một trong những hộ tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách. Năm 2017, gia đình chị được Hội LHPN xã tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH theo Chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chuồng trại nuôi heo. Sau ba năm chăn nuôi, từ 3 con heo nái ban đầu, gia đình chị đã phát triển được đàn heo 80 con, gồm 10 con heo nái và 70 con heo giống nuôi gối đầu. Chị Nguyệt cho biết, nhờ được vay vốn chính sách với lãi suất thấp mà gia đình có điều kiện phát triển mô hình chăn nuôi, từ đó có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, gia đình chị đang tiếp tục vay 50 triệu đồng từ NHCSXH theo Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư hệ thống nấu rượu (với công suất 100 lít/ngày) nhằm có thêm nguồn thu; đồng thời tận dụng lượng hèm để làm thức ăn cho heo, tiết kiệm chi phí chăn nuôi.

Còn đối với gia đình chị Đoàn Thị Thắm (thôn 10), là vợ chồng trẻ mới ra ở riêng nên việc được vay vốn chính sách đã giúp chị có cơ hội đầu tư và mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng. Thông qua Hội LHPN xã, chị đã hai lần được vay vốn từ NHCSXH, với tổng số tiền 80 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Hiện gia đình chị đang sở hữu vườn cây trồng vải và hồ tiêu với diện tích 2,5 ha, ao nuôi cá, đàn heo 90 con và đàn bò 6 con. Với mô hình này, mỗi năm đem lại cho gia đình chị nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Mô hình trồng nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn (thôn 6C, xã Ea Păl).

Cũng nhờ làm tốt công tác ủy thác nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, Hội Nông dân xã Ea Păl đã giúp nhiều hội viên, nông dân được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Theo ông Phạm Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Păl, hiện hội đang quản lý tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng. Với ưu điểm thời gian vay vốn kéo dài, lãi suất ưu đãi nên bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn (thôn 6C), từ hộ có đời sống kinh tế khó khăn thì này đã trở thành một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, với mô hình trồng vải và nhãn.

Ông Ngô Trọng Thắng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar cho biết: Các hội, đoàn thể đã tuân thủ và làm đúng quy trình cho vay, thành lập được nhiều tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, từ đó giúp chất lượng tín dụng ủy thác ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các hội, đoàn thể không chỉ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong năm 2022, từ nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH đã giúp 520 hộ nghèo thoát nghèo, 929 hộ thoát cận nghèo.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.