Phát triển du lịch huyện Krông Bông: Đối mặt nhiều thách thức
Huyện Krông Bông là một trong những địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với hệ thống tài nguyên phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai các nhiệm vụ về phát triển du lịch của huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đầu tư phát triển hạ tầng
Nhằm tạo động lực và tiền đề cho "ngành công nghiệp không khói" phát triển trên địa bàn, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Krông Bông đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 27/8/2019 của Huyện ủy Krông Bông về phát triển du lịch giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 130/NQ-HĐND, ngày 31/12/2019 của HĐND huyện về thông qua Đề án phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 208/KH-UBND, ngày 12/4/2021 của UBND huyện về phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030... Huyện Krông Bông cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện để tham mưu các nhiệm vụ về phát triển du lịch.
Lãnh đạo huyện Krông Bông khảo sát tiềm năng du lịch tại suối Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). |
Hiện nay, cơ sở hạ tầng liên quan đến phục vụ du lịch trên địa huyện đang được quan tâm đầu tư nâng cấp và sửa chữa, chẳng hạn như: Tỉnh lộ 12, Tỉnh lộ 9, hệ thống giao thông tại các xã, thị trấn; một số tuyến đường vào các điểm tham quan du lịch như: đường vào Đá Voi (xã Yang Reh), đường vào di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975), thác Đắk Tuôr, đường vào thác Krông Kmar, suối Thanh niên… Ngoài ra, một số tuyến đường vào các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện cũng đã được đưa vào quy hoạch và danh mục đầu tư.
Bên cạnh đó, hạ tầng dịch vụ lưu trú trên địa bàn huyện cũng từng bước hoàn thiện. Đến nay toàn huyện có 20 nhà nghỉ và một homestay, với 172 buồng, phòng. Số lượng khách trong và ngoài tỉnh đến lưu trú ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi tình hình dịch COVID–19 được kiểm soát. Hệ thống bến bãi, vận tải dịch vụ hành khách của huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách.
Đáng nói, UBND huyện đã đưa 29 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vào quy hoạch sử dụng đất của huyện thời kỳ 2021 - 2030, trong đó có 14 điểm, khu du lịch như: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, thác Đắk Tuôr, suối An ninh, hố Kè, thác buôn H'Ngô, thác buôn Tul, thác Eakar, thác Yang Hanh...
Còn nhiều thách thức
Theo ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch phát triển, nhưng việc triển khai Đề án phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác thu hút đầu tư. Từ khi triển khai đề án đến nay đã có 7 doanh nghiệp đến khảo sát để lập dự án đầu tư phát triển du lịch.
Tuy nhiên, chỉ có Công ty Hoa Sơn Điền Trang đã lập thủ tục xin chủ trương đầu tư đối với Dự án du lịch Đá Voi Yang Reh, nhưng vẫn chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư do thời điểm đề nghị đầu tư chưa phù với quy hoạch nông thôn của xã Yang Reh. Còn các doanh nghiệp khác dù rất muốn đầu tư nhưng đều liên quan đến việc bàn giao đất rừng nên "lặng lẽ rút lui".
Nguyên nhân là do các điểm quy hoạch du lịch trên địa bàn huyện hầu như thuộc đất rừng. Trong 14 điểm du lịch được huyện quy hoạch, với diện tích hơn 31.404 ha thì có đến 30.663 ha thuộc đất của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Hơn nữa, trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của huyện, diện tích đất thương mại dịch vụ tại các điểm du lịch vẫn chưa được quy hoạch. Một số điểm có quy hoạch nhưng diện tích nhỏ lẻ, chưa đảm bảo để các doanh nghiệp lập dự án đầu tư.
Đường vào điểm du lịch thác H’Ngô (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) chưa được đầu tư, xây dựng. |
Đáng nói nhất là điểm du lịch thác Krông Kmar lâu nay vẫn được xem là nổi tiếng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, dù được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2298/QĐ-UBND, ngày 28/8/2017 và được phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 3212/QĐ-UBND, ngày 26/11/2018, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay dự án vẫn chưa triển khai thực hiện. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ phát triển du lịch của huyện.
Mặt khác, công tác vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch chưa được quan tâm, ý thức vệ sinh môi trường của người dân và du khách đến tham quan du lịch chưa cao, dẫn đến tình trạng rác thải tại các điểm du lịch còn nhiều. Đặc biệt, nguồn nhân lực về du lịch của huyện còn yếu, công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được thường xuyên và ngân sách chi cho sự nghiệp phát triển du lịch còn hạn chế cũng là rào cản không nhỏ cho "ngành công nghiệp không khói" ở Krông Bông.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc