Tăng cường phối hợp trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia
Sáng 11/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh chủ trì hội nghị; cùng tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các sở, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì hội nghị. |
Số liệu công bố tại hội nghị cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 đạt 2.319,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,91% tổng vốn cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) đã giao hơn 1.008,6 tỷ đồng; đến nay, đã giải ngân được hơn 129 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022, hơn 7 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đã giao hơn 382,6 tỷ đồng, giải ngân được gần 117,2 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022, hơn 55,3 tỷ đồng vốn năm 2023. Về Chương trình nông thôn mới, đã giao 927,8 tỷ đồng, năm 2021 giải ngân 121,9 tỷ đồng, năm 2022: 396,6 tỷ đồng, năm 2023: gần 191 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp hằng năm giai đoạn 2021-2023 đã giao thực hiện 3 Chương trình MTQG là 1.142,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Cụ thể, Chương trình 1719: đã giao hơn 659 tỷ đồng, giải ngân được 28,3 tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững đã giao 313,7 tỷ đồng, giải ngân 23,8 tỷ đồng; Chương trình nông thôn mới đã giao gần 170 tỷ đồng, giải ngân 71,3 tỷ đồng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, 3 chương trình đã giải ngân được hơn 643 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 103,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp năm 2022 kéo dài.
Thực hiện Chương trình 1719, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 dự kiến giảm 3,5% so với cuối năm 2022. Trong ảnh: Phụ nữ Buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
Thời gian qua, công tác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả quan trọng. Về Chương trình 1719: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021 giảm 3,32%, 2022 giảm 3,66%, dự kiến đến cuối năm 2023, giảm 3,5% so với cuối năm 2022.
Chương trình giảm nghèo bền vững: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều các năm 2021, 2022 giảm lần lượt 1,57% và 1,85%, ước đến cuối năm 2023, giảm từ 1,5 – 2% so với cuối năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo các năm 2021, 2022 giảm lần lượt 4,4% và 5,67%, năm 2023, dự kiến giảm 4 - 5% so với cuối năm 2022.
Chương trình nông thôn mới: đến nay có 75/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới; ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 84 xã đạt chuẩn, tăng 18 xã so với cuối năm 2020.
Theo đánh giá của các đại biểu, quá trình thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế: một số dự án, nội dung thành phần chưa thể triển khai thực hiện và giải ngân do chưa có hướng dẫn đầy đủ của Trung ương; nội dung, đối tượng các chương trình trong giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới, nên công tác rà soát, xác định tiêu chí tính điểm phân bổ, xác định danh mục dự án đầu tư còn nhiều lúng túng; vốn sự nghiệp hằng năm được Trung ương giao chi tiết đến dự án, tiểu dự án thành phần và theo lĩnh vực chi của từng chương trình, nên địa phương khó giao dự toán chi tiết phù hợp với khả năng triển khai thực hiện.
Đại diện Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình 1719. |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh khẳng định, 3 Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng thực hiện trong giai đoạn 2026-2030, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình theo trách nhiệm và thẩm quyền; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo giải quyết, tham mưu kịp thời các nội dung; đồng thời, chú ý phân cấp quản lý đầu tư nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc