Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới

14:05, 17/07/2023

Sáng 17/7, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì.

Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn và Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương đồng chủ trì hội nghị.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Theo số liệu tại hội nghị, đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11,3% so với cuối năm 2020. Trong đó có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi; có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM; 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Ngoài ra, có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020, chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

ảnh
Sản phẩm OCOP của Đắk Lắk được trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị của tỉnh 

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến tháng 7/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm 5 sao (được Bộ NN-PTNT công nhận). Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.

Tại Đắk Lắk, tính hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 74 xã đạt 19/19 tiêu chí; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1/15 đơn vị cấp huyện (TP. Buôn Ma Thuột) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đắk Lắk cũng đã có 136 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (gồm: 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao, 116 sản phẩm đạt 3 sao). Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của tỉnh đều thấp hơn bình quân chung của vùng Tây Nguyên và cả nước.

ảnh
Làm đường nông thôn mới trên địa bàn huyện Ea Kar (Đắk Lắk)

Về giải ngân vốn đầu tư công, lũy kế đến hết tháng 6/2023, các địa phương giải ngân được khoảng 7.907/9.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 (đạt 88%). Đối với kế hoạch vốn thực hiện năm 2023, hết tháng 6/2023, giải ngân được khoảng 2.398/7.000  tỷ đồng (đạt 34,3%).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các ngành, địa phương tập trung đề xuất giải pháp, sáng kiến, chia sẻ những mô hình phù hợp... để Chương trình xây dựng NTM thật sự thiết thực, có ý nghĩa, xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống. Trong phát triển sản phẩm OCOP, các địa phương phải có ý thức trân quý sản phẩm nông thôn, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP tại các sự kiện của địa phương; phải làm cho người dân tự hào về quê hương, tự tin với sản phẩm OCOP để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông thôn, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn...

Minh Thuận

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.