“Bà đỡ” ở huyện vùng biên
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện biên giới Buôn Đôn có điều kiện phát triển kinh tế, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo chân cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Buôn Đôn đến thăm một số hộ vay vốn trên địa bàn để “mục sở thị”, thẩm định mục đích, hiệu quả sử dụng vốn vay, lắng nghe chia sẻ của chính những người trong cuộc mới phần nào cảm nhận được ý nghĩa, niềm vui, hạnh phúc của những người đang “khát”, cần vốn và được vay kịp thời, với lãi suất ưu đãi.
Bà Nông Thị Hồng (xã Tân Hòa) sở hữu 6 sào đất, do khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước tưới nên bà quyết định vay 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường để khoan giếng, nhờ đó có điều kiện chăm sóc cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước. Sau khi hoàn trả số tiền đúng kỳ hạn, bà tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo để đầu tư, mua dê giống phát triển chăn nuôi, hiện đã phát triển đàn dê lên 10 con, giá dê thịt ổn định, bà tự tin sẽ có lãi và hoàn trả hết vốn vay trong năm nay cho ngân hàng. “Những ai lâm vào cảnh ngộ khó khăn, đang cần vốn mà được vay kịp thời mới quý trọng giá trị đồng tiền, nguồn vốn mình được vay để sử dụng sao cho hiệu quả nhất”, bà Nông Thị Hồng đúc kết.
Nhờ được vay vốn ưu đãi, bà Nông Thị Hồng khoan giếng, phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt. |
Được vay 30 triệu đồng theo chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, chị Nguyễn Thị Phượng (thôn 12, xã Tân Hòa) đầu tư thêm bàn may, máy móc vừa tạo việc làm cho 2 lao động ở địa phương, vừa phát triển, mở rộng cơ sở, nhận thêm nhiều đơn hàng, tăng thêm thu nhập. Chị chia sẻ rằng nhu cầu vay vốn được ngân hàng đáp ứng nhanh, thủ tục thuận lợi là yếu tố quan trọng giúp gia đình chị có điều kiện phát triển kinh tế.
Ông Võ Khắc Huy, Giám đốc NHCSXH huyện Buôn Đôn cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức tín dụng nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng có nhu cầu vay được tiếp cận nguồn vốn, Ngân hàng đã triển khai đồng loạt 13 chương trình vay trên địa bàn huyện. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung và công khai lãi suất của từng chương trình, Ngân hàng đã ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với bốn tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Theo đó, các tổ chức này có trách nhiệm đứng ra nhận ủy thác cho hội viên, đoàn viên, đồng thời phối hợp chuyển giao khoa học, công nghệ, các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.
Người dân đến thực hiện các thủ tục vay vốn, giải ngân tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn. |
Với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn của NHCSXH huyện kịp thời đến với người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Đến nay toàn huyện có 9.615 hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, với tổng dư nợ 427.533 triệu đồng, tăng 35.196 triệu đồng so với năm 2022 (tương đương 8,97%). Với trách nhiệm của mình, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát và hoạt động ủy thác theo đúng nội dung liên tịch đã ký kết, giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn để công tác triển khai vay vốn được công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng cũng như đôn đốc hội viên, đoàn viên ý thức, trách nhiệm trả lãi theo thời gian quy định. Nhờ vậy, nợ xấu, nợ quá hạn trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,053%/tổng dư nợ. Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr đánh giá rất cao hiệu quả nguồn vốn vay từ các chương trình của NHCSXH khi dẫn chứng hằng năm tỷ lệ hộ nghèo trung bình trên địa bàn huyện đã giảm khoảng 3% nhờ người dân tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc