Cần tận dụng tối đa diện tích đất trong khu công nghiệp
Sáng 18/8, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Đắk Lắk do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất đến hết năm 2022 không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban Quản lý).
Theo báo cáo tại buổi giám sát, giai đoạn 2015 - 2022, công tác quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp được Ban Quản lý thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời các dịch vụ công và dịch vụ hỗ trợ có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong khu công nghiệp được cung ứng một cách kịp thời. Các thủ tục hành chính đều được giải quyết trước và đúng thời hạn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có Khu công nghiệp Hòa Phú đang hoạt động với vốn đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước. Giá cho thuê lại đất và phí hạ tầng do UBND tỉnh ban hành, Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú là đơn vị thực hiện việc thu, nộp các khoản phí cho Nhà nước theo quy định.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi giám sát. |
Tình hình thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Quản lý đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 51 dự án, với tổng số vốn khoảng 5.920 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 73 triệu USD (khoảng 1.692 tỷ đồng). Các dự án đi vào hoạt động đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú vẫn còn một số hạn chế, như: các doanh nghiệp đầu tư vào chủ yếu là có quy mô nhỏ và vừa; dự án FDI thu hút được thuộc ngành dệt may và da giầy, chưa có các lĩnh vực khác.
Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên, thành viên Đoàn giám sát đóng góp ý kiến về những nội dung giám sát. |
Hơn nữa, vẫn còn một số dự án đầu tư chậm tiến độ thực hiện, chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm pháp luật về xây dựng, nhưng công tác xử lý chưa đạt được hiệu quả cao. Cụ thể: trong số các dự án hình thành, được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn từ ngày 1/7/2015 đến ngày 31/12/2022, có 6 dự án chậm đưa đất vào sử dụng; 13 dự án chấm dứt hoạt động.
Kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị trong thời gian tới, Ban Quản lý cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, tận dụng tối đa diện tích đất trong khu công nghiệp.
Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Trần Thanh Trà báo cáo về những nội dung được giám sát. |
Đặc biệt cần đôn đốc, phối hợp cùng các đơn vị hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định, quy hoạch về đất đai trong các khu công nghiệp; đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư về tiến độ triển khai các dự án và có hướng xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc của từng dự án.
Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý bổ sung thêm vào báo cáo các số liệu khái quát về tình hình hoạt động của khu công nghiệp, hiệu quả đầu tư của các dự án, tỷ lệ lấp đầy. Đồng thời, phân tích rõ nguyên nhân vướng mắc và giải pháp xử lý đối với các dự án chậm tiến độ để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc