Multimedia Đọc Báo in

Kịp thời khắc phục những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

16:17, 30/08/2023

Sáng 30/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 7 tháng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn chủ trì hội nghị.

Trong 7 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và các đối tượng quản lý rừng. Một số vụ phá rừng trái pháp luật có tính chất nghiêm trọng được đưa ra xét xử đảm bảo tính răn đe, giáo dục…

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại hội nghị.

Hiện nay, diện tích đất có rừng ở Đắk Lắk là 497.018 ha (rừng tự nhiên 413.845 ha, rừng trồng 83.173 ha); diện tích đất chưa có rừng 239.689 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,03% (giảm 0,32% so với cùng kỳ năm ngoái). Công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đến nay đã thực hiện được trên 1.098 ha, đạt 58,6 % so với kế hoạch; trồng cây phân tán 65.755 cây, đạt 32,9% so với kế hoạch

Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được tăng cường các biện pháp ngăn chặn, thực hiện hiệu quả hơn, nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện xử lý kịp thời. Theo đó, đã phát hiện 604 vụ vi phạm, giảm 169 vụ so với cùng kỳ năm 2022; đã xử lý 532 vụ (bao gồm cả các vụ tồn năm 2022 chuyển sang), tổng số tiền đã nộp ngân sách là 536 triệu đồng…

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: mặc dù tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi cộm là tình hình phá rừng trái pháp luật tại các huyện Krông Bông, Cư M’gar, Ea Súp; khai thác rừng trái phép tại huyện M’Drắk. Dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng trong 7 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã lập biên bản để xử lý 442 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị thiệt hại là 152 ha. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng, đất rừng bị chặt phá, xâm canh, lấn chiếm trái phép, nhưng chưa xử lý giải tỏa, thu hồi để phục hồi lại rừng hoặc bố trí sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch. Nguyên nhân là do hầu hết người dân thiếu đất sản xuất, đối tượng vi phạm thường là các hộ nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn…

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho người được giao bảo vệ rừng chưa tương xứng, làm cho người lao động chuyển việc, bỏ việc hoặc tranh thủ làm thêm các ngành nghề khác, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng; việc quản lý các dự án nông lâm nghiệp thuê đất thuê rừng của UBND cấp huyện còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều dự án buông lỏng quản lý khiến diện tích rừng suy giảm và đất bị xâm canh lấn chiếm với số lượng lớn.

ảnh
Đại biểu huyện Ea Súp phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh: Hiện Đắk Lắk vẫn còn 5/9 chỉ tiêu về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đạt kế hoạch đề ra. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường bảo vệ rừng, khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm trong những năm qua trên địa bàn tỉnh. Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức đánh giá lại hoạt động, hiệu quả của các công ty nông lâm nghiệp; tiến hành rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê, hiện đang tạm giao cho UBND cấp xã quản lý để tổ chức lập kế hoạch và hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng năm 2023; tăng cường công tác quản lý diện tích đất có nguồn gốc thu hồi từ các nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý. UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thể hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả…

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.