Multimedia Đọc Báo in

Hạ tầng giáo dục ở các khu đô thị mới: Cần được lưu tâm!

08:43, 10/09/2023

Trong không khí nô nức khai giảng năm học mới, dư luận điểm lại đó đây, ở những đô thị lớn, vấn đề thiếu vắng, quá tải hạ tầng giáo dục, không đủ trường lớp vẫn đang diễn ra. Nên chăng, đây là câu chuyện cần được quan tâm ngay ở những dự án đầu tư phát triển đô thị dân sinh mới?

Thừa nhà ở, thiếu trường học

Thực trạng được ghi nhận ở rất nhiều dự án đầu tư, phát triển đô thị quy mô tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… là ngay khi hạ tầng kỹ thuật hoàn thành, giai đoạn thương mại hóa được tổ chức rầm rộ, các chủ đầu tư vẫn lúng túng không giải thích được vì sao yêu cầu về các hạng mục giáo dục, dân sinh chưa được thực thi. Hệ lụy này kéo theo hàng loạt vấn đề ách tắc, khó khăn cho đời sống cư dân các đô thị mới.

Anh Cao Quang S., một cư dân ở khu đô thị mới trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh chuyển về ở căn hộ chung cư mua tại dự án đô thị này đã hơn 4 năm. Khi nhìn vào thiết kế ban đầu, vợ chồng anh rất mừng vì thấy đầy đủ những hạ tầng thương mại, tổ hợp văn phòng, trường học, trạm y tế đều được bố trí, hứa hẹn một ngày không xa các con anh không phải chen chúc đi học trường xa, sinh hoạt mua sắm của gia đình nhỏ gọn gần nhà. Nhưng đến mùa khai giảng năm nay, vợ chồng anh vẫn phải kỳ cạch chia nhau chở hai đứa con đi học ở hai trường cách xa hơn chục cây số. Đơn giản vì khu đô thị đã đi vào khai thác thương mại nhà ở, nhưng hạng mục trường học chưa xây.

Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Buôn Ma Thuột) tham dự Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Thanh Hường

Một số phụ huynh ở các dự án cao ốc khu ngoại giao, khu quốc phòng (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết họ đã chuyển vào ở các chung cư tại đây được mấy năm, nhưng không có trường học nên phải cho con đi học rất xa. Những trường quanh các khu vực này tiếp nhận được học sinh, cũng phải mất hàng giờ đi lại. Sắp đến, có trường dự kiến còn sẽ dời lên khu vực Hòa Lạc, buộc học sinh phải đi xe buýt gần 40 km. Phụ huynh nào cũng than vãn, song không có cách nào thay đổi vì chính khu đô thị họ sống chưa có trường học đạt chuẩn mong muốn.

Những câu chuyện các khu đô thị thừa hàng trăm căn hộ nhưng thiếu trầm trọng hạ tầng giáo dục như vậy, không hề hiếm thấy tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Ngay cả Đà Nẵng, thành phố được đánh giá cao về hoàn thiện hạ tầng đô thị, cũng phát hiện ra nhiều dự án đô thị mới không hề lưu tâm vấn đề trường lớp cho con em cư dân. Có khu đô thị nằm vùng ven Đà Nẵng, cha mẹ hằng ngày phải chở con đi mười mấy cây số về trung tâm để học hành.

Có rất nhiều lý giải, biện minh từ các chủ đầu tư, cơ quan quản lý chức năng về tình trạng thiếu trường học này, và càng đi vào năm học mới, vấn đề càng đặt ra gay gắt. Nhưng tất cả đều không giải thích được tại sao yêu cầu hạ tầng giáo dục lại hay bị bỏ sót như vậy, và cảnh thừa nhà ở thiếu trường học tại các dự án đầu tư đô thị mới, ở những thành phố lớn, là hiển nhiên không phủ nhận được.

Tầm nhìn nào cho Buôn Ma Thuột?

Đặt câu chuyện hạ tầng giáo dục này cho TP. Buôn Ma Thuột, có thể nói, đây là đòi hỏi phải được giám sát và kiên trì tổ chức. Về cơ bản, cho đến nay, đa số các phường trung tâm thành phố không có hiện tượng quá tải học sinh ở các cấp học, hạ tầng giáo dục như vậy không có vấn đề. Song ở những vùng ven và nhất là các khu vực phát triển đô thị mới, quy hoạch phát triển các đô thị mới vẫn phải đối diện thách thức thiếu thốn hạ tầng giáo dục.

Hướng mở rộng hạ tầng đô thị của Buôn Ma Thuột là rất rõ ràng, có thể nhìn thấy trong từng hoạch định, phân vùng quy hoạch địa phương. Thành phố không chỉ muốn tạo dựng sự an cư cho người dân sở tại, mà còn phải tính toán cho kế hoạch phát triển cơ học về dân số, thu hút thêm lượng cư dân từ các địa phương khác đổ về, đón đầu những cơ hội tăng trưởng kinh tế tương lai.

Điều rất mừng, là những năm gần đây, với định hướng chuyển đổi đô thị hóa, ngành xây dựng Đắk Lắk đã quan tâm sát sườn các yêu cầu quy hoạch đô thị gắn với các tiêu chí hạ tầng phát triển. Ở những khu vực quy hoạch chỉnh trang, hay đầu tư đô thị mới, địa phương đều đề nghị các chủ đầu tư không chỉ thực hiện đúng, đủ hạ tầng kỹ thuật, mà còn thi công ngay những hạng mục dân sinh, cộng đồng, trong đó giáo dục là tiêu chí quan trọng. Các dự án đô thị mới tại Buôn Ma Thuột đã đặt rõ yêu cầu phải xây dựng xong, đồng bộ các hạng mục hạ tầng dân sinh, cộng đồng, chú ý mảng văn hóa, giáo dục thì mới được thẩm định tiến độ hoàn tất đầu tư để tổ chức thương mại hóa. Điều này cho phép các chủ đầu tư dự án có những kế hoạch thực tiễn và trách nhiệm hơn với cư dân đô thị tương lai, trước khi họ ký vào các hợp đồng mua nhà ở.

Điều đáng quan tâm, theo chính các chủ đầu tư và chính quyền các xã, phường, là để kích thích thực sự cho những nỗ lực hoàn thiện hạ tầng đô thị như vậy, các dự án đô thị, chỉnh trang đang rất cần chính quyền tỉnh Đắk Lắk quan tâm, vận dụng những chính sách hỗ trợ, tích cực thêm cho nhà đầu tư. Làm sao để các bước thẩm tra, giám sát, quy hoạch thiết kế… và thủ tục hành chính, pháp lý ở các dự án phải được thông suốt và tích cực hơn nữa, mới mời gọi được các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm hoàn bị các mặt hạ tầng giáo dục, vì sự ổn định dài lâu cho các dự án đô thị mới. Buôn Ma Thuột theo đó, mới thực sự là thành phố năng động, hiệu quả cho những tầm nhìn phát triển đô thị ngày một tốt hơn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.