Multimedia Đọc Báo in

Thu thuế kinh doanh thương mại điện tử: Vẫn còn lúng túng

08:04, 11/09/2023

Trong xu thế phát triển của kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trở nên phổ biến và đem đến nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Có thể thấy, TMĐT, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số thông qua các kênh bán hàng như: Sàn giao dịch TMĐT Shopee, Lazada, Tiki; các ứng dụng TMĐT, mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo đã và đang nhanh chóng làm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang trực tuyến. Ngày càng nhiều giao dịch hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến, mang lại nhiều tiện dụng nhưng cũng gây khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc quản lý thuế.

Hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Cục Thuế Đắk Lắk.

Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế, chống thất thu đối với hoạt động TMĐT.

Theo đó, cơ quan thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế; phối hợp với Công an tỉnh để thu thập thông tin những cá nhân có thu nhập từ các trang mạng xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách thuế hiện hành liên quan đến TMĐT, quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT biết và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, đối với các hộ kinh doanh có hoạt động bán hàng qua Internet, có thu nhập online, xác minh doanh thu nhận được từ các đơn vị trung gian như ngân hàng thương mại, giao hàng COD (thanh toán khi nhận hàng) để tăng doanh thu và mức thuế khoán theo quy định. Với các cá nhân nhận tiền dịch vụ quảng cáo từ các tổ chức nước ngoài, tăng cường thu thập thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cá nhân hiểu và tự giác kê khai thu nhập, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, các chi cục thuế giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý khi xuất hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ cho các hộ, cá nhân cần ghi đầy đủ, rõ ràng thông tin định danh, địa chỉ... người mua để phục vụ công tác xác định doanh thu hộ kinh doanh.

Cục Thuế Đắk Lắk cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành thuế quản lý thu thuế đối với 100 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT, với tổng doanh thu gần 100 tỷ đồng, tổng số thuế truy thu và xử phạt là hơn 2 tỷ đồng. Nguồn thu trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa, tuy nhiên việc quản lý nguồn thu, chống thất thu thuế gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, một số tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh doanh TMĐT chưa hợp tác cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế. Việc truy tìm cá nhân kinh doanh TMĐT theo thông tin cá nhân để yêu cầu khai nộp thuế cũng rất khó khăn, do nơi cư trú không được cập nhật kịp thời. Một số doanh nghiệp có trang web, tài khoản mạng xã hội riêng giới thiệu các thông tin về doanh nghiệp, việc xác định họ có hoạt động bán hàng thông qua trang web, mạng xã hội hay không là rất khó khăn.

Nhiều trường hợp mua, bán hàng hóa không có hóa đơn, không đăng ký kinh doanh nên cơ quan quản lý không có cơ sở dữ liệu, thông tin việc mua bán dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT hiện vẫn chưa có quy trình hướng dẫn thực hiện cụ thể dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cơ quan thuế trong quá trình triển khai thực hiện.

Một cá nhân có gian hàng giới thiệu sản phẩm và kinh doanh nông sản trên Tiktok.

Ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk cho biết, để tăng cường quản lý thuế trong TMĐT, thời gian tới, ngành thuế sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh thông tin về tài khoản giao dịch, doanh thu bán hàng từ hoạt động kinh doanh TMĐT để hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định.

Đặc biệt, trường hợp các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động giao dịch, dịch vụ với tổ chức nước ngoài như Google, Facebook và Apple nhưng không kê khai, nộp thuế thì phối hợp với cơ quan công an và UBND các xã, phường xác minh thông tin người nộp thuế để đề nghị đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định hoặc phối hợp với cơ quan điều tra để phát hiện, điều tra, xác minh và xử lý.

Cùng với đó, tăng cường khai thác dữ liệu thông tin các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn có phát sinh doanh thu bán hàng trên sàn TMĐT nhằm quản lý nguồn thu thuế; rà soát các đơn vị chuyển phát thu hộ tiền bán hàng nhằm yêu cầu cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân thường xuyên phát sinh giao dịch mua, bán hàng hóa với số lượng lớn trên sàn TMĐT để yêu cầu kê khai và nộp thuế.

Ngành thuế Đắk Lắk kiến nghị, đề xuất Tổng cục Thuế sớm xây dựng, ban hành quy trình quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT để thuận lợi cho việc thực hiện. Cùng với đó, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về chống thất thu trong TMĐT, nhất là nghiệp vụ, kỹ năng khai thác, thu thập thông tin dữ liệu và xử lý những trường hợp cụ thể khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.