Multimedia Đọc Báo in

Trồng sầu riêng Ri6 đặc sản cho thu nhập cao

08:05, 11/09/2023

Mùa sầu riêng năm nay, vườn sầu riêng đặc sản Ri6 của gia đình chị Phạm Thị Hậu (thôn 1, xã Ea Lai, huyện M'Drắk) hầu như cây nào cũng chi chít quả.

Chị Hậu cho biết, từ đầu vụ đến nay, gia đình chị đã bán hơn 2 tấn quả với giá 80.000 đồng/kg. Hiện tại, mỗi ngày chị vẫn xuất từ 1 - 1,5 tạ tiêu thụ tại địa phương. Ước tính vụ thu hoạch năm nay, vườn sầu riêng của gia đình chị đạt sản lượng trên 7 tấn; lãi ròng sau khi trừ chi phí là trên 300 triệu đồng.

Gia đình chị Hậu bén duyên với cây sầu riêng từ cách đây 13 năm. Thời điểm đó, sau khi tham quan mô hình sầu riêng tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, vợ chồng chị mua thử nghiệm vài cây giống về trồng ở vườn nhà. Sau khi trồng một thời gian, nhận thấy đây là loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên vợ chồng chị quyết định chuyển đổi 2 ha đất trồng cà phê xen tiêu kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng. Để “lấy ngắn nuôi dài”, tạo thu nhập thường xuyên, chị trồng thêm 300 gốc bơ cơm vàng. Hiện tại, vườn nhà chị có hơn 100 gốc sầu riêng; trong đó gần 50 cây đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân 7 - 8 tấn quả/vụ, thu nhập bình quân 300 – 400 triệu đồng/năm.

Vườn sầu riêng của gia đình chị Phạm Thị Hậu.

Theo chị Hậu chia sẻ, giống sầu riêng chị trồng là Ri6, trái có hình dạng thuôn tròn, da xanh; khi chín, trái có trọng lượng khoảng 3 – 5 kg; cơm khô ráo, dày, thịt có màu vàng tươi bắt mắt, vị ngọt và béo, hương thơm vừa phải nên được thương lái và người tiêu dùng rất ưa chuộng. Sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải, trung bình 1 ha đất trồng trên 100 cây. Muốn có năng suất cao, bên cạnh sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ, phân chuồng nhằm bổ sung dinh dưỡng cho đất... Trên cây sầu riêng thường gặp một số loại sâu, bệnh gây hại như xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ và rầy xanh tấn công nên cần dành nhiều thời gian thăm vườn để kịp thời phát hiện dịch bệnh, tiến hành phun thuốc định kỳ, hạn chế tình trạng sâu bệnh xâm nhập.

Cũng theo chị Hậu, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh bị “dội chợ”, người trồng thường xử lý sầu riêng trái vụ song nếu nhà vườn lạm dụng xử lý liên tục sẽ dẫn đến suy cây. Vì vậy, gia đình chị luân phiên cho cây ra hoa sớm hơn mùa thuận. Đặc biệt, chăm sóc cây sầu riêng thời kỳ ra hoa cần phải chú ý siết nước kết hợp phun thuốc để phân hóa mầm hoa. Thời gian khô hạn kéo dài ít nhất là 10 - 14 ngày cây sầu riêng mới có thể phân hóa mầm hoa. Khi ra trái, chị thường tỉa bớt những trái xấu, tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại. Mỗi cây, anh chị chừa lại khoảng 50 trái.

Sau mỗi mùa thu hoạch, để cây sầu riêng mau lại sức, cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết. Việc bón phân là quan trọng nhất, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách, chia làm 3 đợt bón tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Trước khi bón nên dùng cuốc xới nhẹ quanh tán cây, tránh làm tổn thương rễ hoặc đào rãnh xung quanh theo tán cây, sau đó bón phân và lấp đất lại. Bón vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất.

Hiện nay, mô hình trồng cây sầu riêng của gia đình chị Hậu đang được nhiều hội viên phụ nữ, nông dân đến tham quan học tập, áp dụng và nhân rộng.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.