Đắk Lắk đứng thứ 6 cả nước về quy mô dư nợ tín dụng chính sách xã hội
Sáng 20/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động 9 tháng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chủ trì cuộc họp.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 34.796 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng CSXH, với tổng số vốn 1.463 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.009 tỷ đồng (đứng thứ 6 cả nước về quy mô dư nợ), tăng 678,8 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 10,72%, với 166.237 khách hàng còn dư nợ.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhành Đắk Lắk Đào Thái Hòa thông tin về hoạt động tín dụng chính sách xã hội đầu năm 2023 đến nay. |
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, chi nhánh Ngân hàng CSXH cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 9,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (dưới 0,2%).
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong 9 tháng năm 2023, số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 1.342 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ lãi suất với số tiền 40,5 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đề nghị, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH và các ngành liên quan cần tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại cuộc họp. |
Đẩy mạnh hoạt động cho vay theo kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình được giao năm 2023, bao gồm nguồn vốn trung ương và địa phương; Chú trọng công tác chuyển đổi số trong công tác như triển khai sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách, App VBSP Smart Banking; đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào Nghị quyết của HĐND bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2024 để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đối với các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương để thực hiện hiệu quả công tác tín dụng CSXH.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc