Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ Agribank Đắk Lắk: Nỗ lực đưa Nghị quyết 19-NQ/TW vào cuộc sống

07:06, 10/10/2023

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NNNDNT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách về NNNDNT.

Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với NNNDNT; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiện thực hóa yêu cầu này, ngay từ đầu năm 2023, Đảng bộ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2023; trong đó, nhấn mạnh toàn Đảng bộ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng yếu là tăng trưởng nguồn vốn huy động, đảm bảo đủ nguồn lực để cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư cho NNNDNT, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ hoạt động dịch vụ ngân hàng tiện ích, nhất là dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục xây dựng hình ảnh Agribank - Ngân hàng bán lẻ hàng đầu khu vực nông thôn, có đóng góp tích cực đối với quá trình đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, tiếp tục cùng hệ thống Agribank khẳng định vai trò chủ đạo trong lĩnh vực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song hoạt động kinh doanh tại Agribank Đắk Lắk vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, cao hơn mặt bằng chung trong khu vực và toàn hệ thống.

Kết thúc nửa đầu của năm kế hoạch 2023, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu tại Agribank Đắk Lắk đều đạt và vượt so kế hoạch giao và trở thành ngân hàng thương mại có quy mô hoạt động kinh doanh lớn nhất trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 9.820 tỷ đồng, tăng 494 tỷ đồng so với đầu năm, mức tăng trưởng đạt 5,3%, bằng 97,2% kế hoạch quý II và bằng 92,1% kế hoạch năm. Tổng dư nợ tín dụng đạt 17.744 tỷ đồng, tăng 799 tỷ đồng so với đầu năm, mức tăng trưởng đạt 4,7%, bằng 99,1% kế hoạch quý II/2023 và bằng 91,4% kế hoạch năm. Trong đó dư nợ cho vay NNNDNT chiếm tỷ trọng gần 70% tổng dư nợ cho vay (tương ứng với khoảng trên 12.000 tỷ đồng).

Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng của Agribank Đắk Lắk.

Song song với đó, Đảng bộ Agribank Đắk Lắk cũng đã lãnh đạo thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng. Cụ thể, tài trợ các hoạt động an sinh giáo dục, sự nghiệp y tế, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, xây nhà Tình nghĩa cho hộ nghèo...; triển khai Chương trình "Agribank – Tết nghĩa tình lần thứ 9 - 2023" nhân dịp Tết Quý Mão; đóng góp ủng hộ Chương trình “Chung tay giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ mất mát đau thương với các gia đình cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và bị thương” trên địa bàn huyện Cư Kuin. Agribank Đắk Lắk cũng đã tích cực tham gia các hoạt động góp phần cùng địa phương tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 trong vai trò là nhà tài trợ vàng.

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ Agribank Đắk Lắk khẳng định quyết tâm chính trị của toàn đảng bộ trong nửa nhiệm kỳ còn lại (giai đoạn 2023 – 2025) là: Tiếp tục phát huy, giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho NNNDNT, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiên phong thực thi chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng tại địa phương. Phấn đấu nguồn vốn tăng trưởng bình quân tối thiểu từ 6%/năm trở lên; tăng trưởng tín dụng bình quân tối thiểu từ 7%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2025 tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt đến 22.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay NNNDNT chiếm tỷ trọng từ 70% trở lên (tương ứng với khoảng trên 15.000 tỷ đồng).

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Agribank Đắk Lắk Vương Hồng Lĩnh khẳng định: Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc bám sát mục tiêu của Đảng, Chính phủ, của ngành ngân hàng về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; điều hành công tác tín dụng theo hướng tăng trưởng và đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục phát huy vai trò của Agribank Đắk Lắk trong cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng tiện ích, nhất là dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, phục vụ phát triển nền kinh tế và khu vực "tam nông"; tiếp tục đóng góp tích cực đối với quá trình đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân…

Phan Quốc Lương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.