Multimedia Đọc Báo in

Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Dấu ấn 30 năm hình thành và phát triển

07:01, 23/10/2023

Sau 30 năm hình thành và phát triển, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã khẳng định vị thế, vai trò nòng cốt trong kinh tế tập thể (KTTT), HTX; nỗ lực đồng hành, tư vấn, hỗ trợ thực hiện chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên.

Từng bước lớn mạnh

Sau khi tổ chức của Liên minh HTX Việt Nam được kiện toàn từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với nhu cầu cấp bách về việc thành lập một tổ chức có nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX và đại diện, bảo vệ quyền, nghĩa vụ hợp pháp của HTX, ngày 23/10/1993, UBND tỉnh đã ký Quyết định thành lập Hội đồng lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh (nay là Liên minh HTX tỉnh). Từ đó, Liên minh HTX tỉnh đã trải qua 30 năm, với 6 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển về tổ chức và hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, gắn với quá trình củng cố, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, HTX.

Trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000, toàn tỉnh có 46 HTX thành lập. Đến nay đã phát triển lên 735 HTX (trong đó có 601 HTX đang hoạt động), với đa dạng ngành nghề, cung ứng dịch vụ, xây dựng, thương mại, tín dụng… và có khoảng 69.500 thành viên, 22.500 lao động thường xuyên. 100% HTX đã hoàn thành chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới của Luật HTX năm 2012; doanh thu bình quân mỗi HTX đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm. Các HTX không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên. Nhiều HTX đã xây dựng thương hiệu, hoàn thiện mẫu mã, nguồn gốc, xuất xứ cho sản phẩm, mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tích cực cung ứng dịch vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tạo việc làm cho người dân địa phương.

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế tập thể địa phương. Ảnh: P. Thảo

Đơn cử, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) được thành lập từ tổ liên kết sản xuất nông sản của nông dân. Vượt qua những khó khăn ban đầu về sản xuất nhỏ lẻ; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; thiếu vốn đầu tư…, sau 10 năm hoạt động, HTX đã xây dựng và phát triển thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB", đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo, hệ thống lò sấy lúa công nghệ nhiệt sạch, dây chuyền xay xát gạo, hệ thống xuất nhập liệu tự động và các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng. HTX cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu 1.000 ha các loại cây trồng trên địa bàn huyện Krông Bông và tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất lúa gạo. Qua đó, đưa sản phẩm "Gạo sạch Thăng Bình HTB" đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh và xây dựng 26 đại lý tiêu thụ sản phẩm tại 12 tỉnh thành trong cả nước, mang lại doanh thu gần 40 tỷ đồng trong năm 2022; tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Cũng dựa trên cơ sở một tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững, năm 2011 HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) được thành lập. Từ 48 thành viên góp vốn ban đầu, đến nay HTX đã có 84 thành viên và liên kết với 150 hộ dân sản xuất cà phê, phát triển vùng nguyên liệu 441 ha, trong đó có 161 ha được chứng nhận Thương mại công bằng (Fair-trade). HTX đã đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất chế biến cà phê Honey, cà phê phân loại cung cấp nguyên liệu cho các nhà rang xay. Năm 2022, HTX đạt doanh thu gần 25 tỷ đồng.

“Ngôi nhà chung” của các hợp tác xã

Liên minh HTX tỉnh đã nỗ lực làm tốt vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, trở thành “ngôi nhà chung” cùng san sẻ, đồng hành với các HTX. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh luôn tích cực đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền với đa dạng hình thức, nội dung, góp phần tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức của các cấp, ngành và trong quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí và xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế hợp tác, HTX, mang lại những nhận thức đầy đủ hơn về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển KTTT. Tổ chức cung cấp dịch vụ về pháp lý, xây dựng chiến lược, định hướng sản xuất, kinh doanh cho HTX. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương giải quyết và kiến nghị giải quyết những vướng mắc của HTX, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị thành viên và HTX.

Tích cực tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ, trong đó chú trọng việc đào tạo, tập huấn, dạy nghề cho cán bộ, thành viên HTX, bồi dưỡng về kỹ năng điều hành, quản lý, lập dự án đầu tư, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, nghiệp vụ kế toán, kiểm tra, kiểm soát... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đưa sản phẩm của HTX tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh và các chương trình kết nối giao thương, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức “Ngày giới thiệu sản phẩm an toàn của HTX”... giúp HTX quảng bá sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất.

Liên minh HTX tỉnh tham quan, tư vấn, hỗ trợ các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Thảo

Không chỉ tư vấn, hỗ trợ HTX tham gia vào các dự án của địa phương và Trung ương, tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, Quỹ Hỗ trợ giải quyết việc làm (vốn 120), hỗ trợ xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến…, Liên minh HTX tỉnh còn tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án nước ngoài triển khai trên địa bàn tỉnh, chủ động đề xuất để phối hợp triển khai hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác. Đơn cử, phối hợp với tổ chức EDE (Cộng hòa Liên bang Đức) triển khai công tác tập huấn cho các tổ, nhóm hợp tác về kiến thức KTTT, về kỹ năng kinh doanh trong dự án phát triển cà phê Robusta bền vững; phối hợp với Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) triển khai dự án "Cải thiện sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số thông qua sản xuất cà phê bền vững và tiếp cận thị trường hướng tới người nghèo"; phối hợp với Ban Hợp tác quốc tế thuộc Liên minh HTX Việt Nam, tổ chức Thương mại Công bằng châu Á Thái Bình Dương (NAPP) tại Việt Nam triển khai dự án “Xây dựng, hỗ trợ các HTX trồng và sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn Thương mại công bằng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX xuất khẩu sang châu Âu”…

Qua đó, từng bước giúp các HTX mở rộng quy mô, vốn và lĩnh vực hoạt động; nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX; hình thành được nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng… Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp HTX tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, tạo cơ hội để đưa nông sản Đắk Lắk đến với thị trường thế giới, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, với những thành tích, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển KTTT, Liên minh HTX tỉnh, nhiều HTX và cá nhân đã được các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh về phát triển KTTT.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Huỳnh Bài cho biết, để tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí KTTT trong tình hình mới, Liên minh HTX tỉnh phải luôn đổi mới phương thức hoạt động, củng cố tổ chức liên minh ngày càng vững mạnh. Do vậy, Liên minh HTX tỉnh tích cực đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao vai trò tư vấn, hướng dẫn cho HTX; cung ứng các dịch vụ cho HTX và liên kết với các đơn vị sử dụng nền tảng mạng xã hội, giúp hàng hóa của HTX tiếp cận đa dạng thị trường. Đồng thời, xây dựng các chương trình hoạt động đáp ứng yêu cầu của HTX, tạo niềm tin, chỗ dựa vững cho cho các HTX phát triển.

Phương Thảo - Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.