Multimedia Đọc Báo in

Sắp xếp tài sản dôi dư: Bất cập và lúng túng (kỳ 1)

07:05, 11/10/2023

Nằm ở vị trí đắc địa, nhưng hàng loạt trụ sở dôi dư sau sáp nhập của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa được chuyển đổi công năng, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí tài sản, đất đai.

 

Kỳ 1: Hàng loạt trụ sở bỏ không

Từng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, kinh phí lên đến hàng tỷ đồng, song hàng loạt trụ sở công dôi dư sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh trở thành nơi hoang hóa, nhếch nhác…

Nhiều trụ sở công bỏ hoang

Chủ trương sáp nhập các đơn vị sự nghiệp được tỉnh Đắk Lắk triển khai từ nhiều năm nay. Việc sắp xếp này không chỉ giúp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, việc dồn nhiều đơn vị thành một khó tránh khỏi dẫn đến tình trạng dôi dư trụ sở.

Thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh, tháng 10/2019, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lắk được sáp nhập từ Bệnh viện Đa khoa huyện, TTYT huyện (cũ) và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện. Sau khi sáp nhập, trụ sở của TTYT huyện được chọn đặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện, trụ sở TTYT (cũ) và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chưa được chuyển đổi công năng, bị bỏ không thời gian dài dẫn đến hư hỏng, xuống cấp.

Từ khi hợp nhất ba đơn vị y tế làm một, trụ sở TTYT huyện Lắk (cũ) nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, thị trấn Liên Sơn bị “bỏ hoang”. Dịch COVID-19 bùng phát, nơi đây được trưng dụng làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, song khi dịch bệnh lắng xuống, không còn bệnh nhân, nơi đây lại trở về hiện trạng “hoang hóa”. Quan sát thực tế cho thấy, phía ngoài mặt sân cỏ mọc um tùm, rêu xanh bám thành mảng, nhiều cửa chính, cửa sổ của các phòng chuyên môn kính vỡ toang. Phía trong, trần nhà và tường ẩm mốc, nhiều giấy tờ, tài liệu (không sử dụng) và vật dụng nằm ngổn ngang.

Dù ở vị trí đắc địa tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk), Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Lắk vẫn bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ảnh: Trường Giang

Tương tự, tại huyện Cư Kuin, trụ sở Trung tâm Dạy nghề huyện cũ (nằm trên địa bàn xã Dray Bhăng) cũng bỏ không từ nhiều năm nay. Ngày 23/6/2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1515/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư Kuin. Theo đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư Kuin trực thuộc UBND huyện Cư Kuin hình thành trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Sau sáp nhập, trụ sở Trung tâm Dạy nghề huyện (cũ) chưa được chuyển đổi công năng, không được sử dụng nên xuống cấp trầm trọng. Với diện tích gần 10.000 m2, gồm nhiều dãy nhà, hiện hầu hết tài sản trên đất đã bị hư hỏng nặng. Trong đó, một số phòng ốc khi mưa, nước lai láng khắp sàn, trần và tường nhà bong tróc từng mảng lớn, thanh sắt ở cửa chính, cửa sổ hoen rỉ, mặt sàn trơn trượt do nước mưa và rêu bám.

 

Ngày 27/3/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với hơn 4.646 cơ sở nhà, đất. Trong đó, phương án giữ lại tiếp tục sử dụng gồm 4.534 cơ sở, thu hồi 21 cơ sở, điều chuyển 54 cơ sở và bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 37 cơ sở.

Nhếch nhác hơn, trụ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đứng chân trên đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) như một “bãi chiến trường”. Từ khi bệnh viện chuyển sang hoạt động tại trụ sở mới (trên đường Trần Quý Cáp, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột), trụ sở cũ thành “hoang hóa”. Hành lang dẫn đến các khu điều trị, phòng chức năng cỏ mọc kín cả lối đi, rêu phong bám thành mảng… Kính cửa, tường xây đều không còn nguyên vẹn.

Thừa mà vẫn... thiếu!

Thực tế, tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở dôi dư chưa được chuyển đổi công năng hoặc tổ chức bán đấu giá, dẫn đến gây lãng phí tài sản. Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị sau sáp nhập lại không đủ về quy mô để bố trí phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên, người lao động.

Tại TTYT huyện Lắk, sau khi sáp nhập tất cả cán bộ, nhân viên đều tập trung làm việc tại trụ sở Bệnh viện Đa khoa huyện với diện tích mặt sàn khoảng 6.600 m2, quy mô trước đây là 50 giường bệnh. Hiện tại, với quy mô 120 giường bệnh, tổng số cán bộ, nhân viên là 128 người, vì vậy phải lồng ghép nơi làm việc của các phòng chức năng.

Giám đốc TTYT huyện Lắk Nguyễn Tri Hảo cho biết, hiện nay dù trụ sở TTYT huyện (cũ) còn dôi dư, trong khi trụ sở TTYT (mới) lại thiếu về quy mô nhưng không thể đưa vào sử dụng do vướng các quy định. Do đó, các phòng chức năng thuộc Khối dự phòng như khoa Kiểm soát bệnh tật, khoa An toàn thực phẩm hiện tại phải lồng ghép chung nơi làm việc… Với quy mô hiện tại, mỗi phòng chuyên môn tại TTYT huyện “chứa” từ 4 - 5 người gồm y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chưa kể, mỗi phòng chuyên môn đều bố trí các loại máy móc, thiết bị, đồ dùng cá nhân nên rất chật chội. Thêm vào đó, Trung tâm hiện có hai dãy nhà hai tầng, nhưng mỗi tầng chỉ có hai nhà vệ sinh, không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Theo quy định, cứ 15 người sẽ được bố trí một nhà vệ sinh, tuy nhiên, do vẫn sử dụng trụ sở cũ, không được mở rộng, thêm vào đó kết cấu hạ tầng nói chung, công trình vệ sinh nói riêng xây dựng từ lâu nên diện tích và số lượng các nhà vệ sinh còn thiếu so với quy định.

Hành lang Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin ẩm ướt, trơn trượt trong mùa mưa. Ảnh: Trường Giang

Không chỉ các đơn vị sự nghiệp hành chính, ở các thôn, buôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập theo tinh thần Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố cũng bộc lộ một số bất cập về vấn đề bố trí cán bộ, cũng như hạ tầng cơ sở.

Đơn cử, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-HĐND, ngày 18/11/2019 của HĐND tỉnh, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) có 3 thôn thuộc diện phải sáp nhập gồm thôn 5A, 5B và 13. Theo đó, sau khi có quyết định sáp nhập 3 thôn thành thôn 5, dân số hiện tại toàn thôn có 321 hộ, 1.264 nhân khẩu. Hội trường thôn 5A (cũ) được chọn làm nơi sinh hoạt, hội họp của thôn. Thế nhưng, do gộp thôn, quy mô dân số tăng gấp 3 lần so với trước, trong khi diện tích hội trường vẫn như cũ nên không đủ sức chứa, mỗi lần tổ chức cuộc họp phải kê thêm ghế ngồi phía ngoài. Trong khi đó, hai hội trường thôn còn lại nơi thì bỏ không, nơi thì để Ban tự quản thôn dùng để họp bàn công việc. Trước thực trạng trên, Bí thư Chi bộ thôn 5 Nguyễn Trịnh Chung cho biết, ngay sau khi sáp nhập, Ban tự quản thôn đã kiến nghị xây dựng hội trường mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con, phù hợp với quy mô dân số sau sáp nhập, dù biết rằng để được đầu tư xây dựng hội trường thôn mới là điều không dễ.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Rào cản từ cơ chế

Xuân Trường - Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.