Multimedia Đọc Báo in

Liên kết phát triển nông sản: Cần chú trọng khâu truyền thông

08:27, 07/12/2023

Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 5 năm thực hiện Nghị định 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 276 trang trại, với hơn 15.500 hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên, hiệu quả các hoạt động liên kết này vẫn chưa cao, bởi còn nhiều bất cập trong quản lý, tổ chức, nổi bật là khâu tuyên truyền, vận động vẫn rất hạn chế.

Đại diện một hiệp hội về nông sản Đắk Lắk chia sẻ, chỉ cần nhìn vào bức tranh giá cả thị trường, những dao động về lượng hàng hóa nông sản thu hoạch, chế biến trên địa bàn thời gian qua đã nhận thấy được ngay sự hạn chế về cơ hội hợp tác giữa những người nông dân sản xuất, với các HTX, và nhất là các doanh nghiệp tham gia, đầu tư liên kết. Trước mỗi mùa vụ, nông dân càng thiết tha bắt tay với các doanh nghiệp, thông qua các HTX để nhận được hỗ trợ canh tác thế nào, thì khi vào mùa vụ, giá cả thị trường biến động, nông dân sẽ càng “lạnh nhạt” với lời hứa của mình.

Mùa vụ sầu riêng 2023 vừa qua là một minh chứng cụ thể, với hầu hết hợp đồng liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp đều bị bẻ gãy, vi phạm từ phía nông dân. Đã có doanh nghiệp đầu tư hàng trăm triệu đồng giúp nông dân xây dựng vùng trồng chất lượng, nhưng đến khi thu hoạch, bị thương lái bên ngoài vào tranh mua, nông dân sẵn sàng “bẻ cọc” vì lợi nhuận cao. Để rồi có dấu hiệu thương lái “bom vườn”, nông dân lại quay sang kêu gọi doanh nghiệp ứng cứu giúp. “Kiểu làm ăn liên kết đầy tính chụp giựt như vậy, thực sự làm doanh nghiệp rất khó khăn, vừa dễ đổ bể các kế hoạch sản xuất, bấp bênh đơn hàng, vừa dễ mất niềm tin vào chương trình vận động hợp tác, liên kết sản xuất bền vững”, chủ một doanh nghiệp chuyên doanh chế biến, xuất khẩu nông sản ở huyện Cư M’gar nhận xét.

Sản phẩm trái bưởi của hộ sản xuất ở huyện Ea Súp tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Thuận

Rõ ràng, quan hệ kết nối giữa các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất canh tác là lực lượng chủ yếu cho hoạt động liên kết phát triển. Vai trò các doanh nghiệp vẫn là đầu tàu dẫn dắt, định hình các chuỗi liên kết. Cho nên, hiệu quả hoạt động liên kết sản xuất nông nghiệp nhất định phải có những chính sách, giải pháp ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp mặn mà, tâm huyết, và có các điều kiện tốt để mạnh dạn hợp tác cùng các HTX, các hộ nông dân làm ăn sản xuất. Nhất là, nếu các cấp quản lý quan tâm, có các biện pháp kiểm soát, hỗ trợ các doanh nghiệp buộc phía nông dân liên kết có trách nhiệm với các hợp đồng liên kết sản xuất, điều kiện hợp tác liên kết mới thuận lợi được.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu này thực sự khó có được, do chủ yếu quan hệ hợp tác liên kết sản xuất là tự nguyện của đôi bên, kể cả các HTX nông nghiệp cũng chỉ đóng vai trò trung gian móc xích hợp tác nông dân và doanh nghiệp. Trong cam kết, phần lớn hợp đồng đều ưu tiên hỗ trợ nông dân về giá mua, giá bán, tiêu chí bao tiêu sản phẩm đầu ra… Các doanh nghiệp đều rất công bằng khi chấp thuận người nông dân có quyền bán nông sản thu hoạch ra thị trường khi có giá cao hơn. Những điều kiện này ràng buộc cơ hội của doanh nghiệp, rất dễ khiến họ lúng túng và thua thiệt trong hợp tác liên kết.

Theo các nhà tư vấn, cách thức chấn chỉnh vấn đề này, chung quy chỉ thông qua giải pháp truyền thông, vận động người nông dân thấu hiểu các chính sách liên kết, đề cao vai trò trách nhiệm của họ, và nhất là nâng cao nhận thức nông dân về cơ chế hàng hóa thị trường. Đây hóa ra lại là khâu “yếu nhất” trong công tác thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hiện nay, khi có rất nhiều bên cùng tham gia song chưa thực sự có bên nào quan tâm, đầu tư.

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng đề cập vấn đề phải phối hợp chặt chẽ các cơ quan truyền thông đại chúng để tăng cường tuyên truyền về các chuỗi giá trị sản xuất, đẩy mạnh liên kết các sản phẩm… Nhưng kinh phí ở đâu, đầu mối nào chủ lực trong hệ thống liên kết phát triển sẽ đảm nhận trách nhiệm truyền thông đại chúng và hiệu quả, đến nay dường như vẫn bỏ ngỏ. Bản thân một số doanh nghiệp chế biến sản xuất có quan tâm đến cơ hội truyền thông đại chúng, song chủ yếu vẫn chỉ thuộc về PR thương hiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm riêng… Nhận thức chung của cộng đồng tiêu dùng, nhất là liên quan đến các hộ nông dân sản xuất, vẫn nghiêng về hướng đánh giá chính nông dân hạn chế hiểu biết, chưa tiếp cận được các thông tin truyền thông đúng, càng đẩy vấn đề trách nhiệm tuân thủ các chính sách xã hội, chính sách phát triển liên kết ở nông dân vào thứ yếu, lúng túng và kém hiệu quả.

Ông Vũ Đức Côn cho rằng, đã đến lúc công tác vận động, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông sản cần nhìn nhận lại thỏa đáng những giá trị, trọng tâm đầu tư, vạch ra những chiến lược, phân kỳ hợp lý về phát triển vùng sản xuất và các điều kiện sản xuất xuất khẩu… Trong đó, khâu truyền thông phải được chú ý sát sườn và đầu tư chuẩn mực hơn, phải được các cấp, ngành quản lý, doanh nghiệp và các hệ thống chính trị, xã hội liên quan cùng phối hợp tham gia, mới có thể thay đổi thực trạng nhận định về năng lực liên kết nông sản hiện nay.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc