Nâng tầm vị thế lúa gạo Ea Kar
Phát huy ưu thế về diện tích, huyện Ea Kar đã định hướng các vùng trồng lúa đẩy mạnh liên kết, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Ngoài diện tích trên 270 ha lúa, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (xã Cư Ni) đã liên kết với các hợp tác xã, người dân trong vùng với diện tích 200 ha để xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chuẩn VietGAP. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty không chỉ hỗ trợ, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân mà còn đầu tư xây dựng hệ thống chế biến liên hoàn sau thu hoạch theo tiêu chuẩn HACCP gồm hai lò sấy tự động với công suất 120 tấn/giờ và xay xát gạo thành phẩm với công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015. Nhờ đó, thương hiệu “Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017, 2018, đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019.
Công ty TNHH MTV Cà phê 721 đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại xây dựng thương hiệu "Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà". |
Ông Trịnh Xuân Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 cho biết: Để gia tăng lợi thế cạnh tranh, hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt, năm 2019, Công ty đã liên kết với Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống Hồ Quang (tỉnh Sóc Trăng) của ông Hồ Quang Cua để sản xuất ra giống lúa thơm ST24, ST25 nổi tiếng. Nhờ vậy, thương hiệu “Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà” ngày càng được khẳng định và nâng cao giá trị gia tăng.
“Các công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng, Cụm công nghiệp Ea Ô và tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ mở ra nhiều cơ hội để Ea Kar phát triển sản xuất lúa gạo với diện tích trên 18.000 ha. Đặc biệt là tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách đến cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh nói chung, Ea Kar nói riêng, trong đó có sản phẩm lúa gạo” - Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà. |
Để gia tăng giá trị cây lúa, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 714 (xã Ea Păl) đã liên kết với các đơn vị sản xuất giống nhằm phát triển và đưa các giống lúa xác nhận có chất lượng cao như: ST24, ST25, Đài thơm 8, RVT... vào sản xuất, đạt năng suất trung bình từ 8 - 10 tấn/ha/vụ, giá bán cao.
Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, bảo đảm điều tiết đủ nước tưới cho cây trồng, định hướng sản xuất, chế biến lúa gạo theo chuỗi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 60 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ organic...
HTX cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, kho sấy lạnh, máy xay xát liên hoàn, máy sấy không đảo công nghệ cao, góp phần khẳng định thương “Gạo bảy mười bốn” an toàn, chất lượng tốt.
Đầu tư nguồn lực khai thác lợi thế
Huyện Ea Kar có tổng diện tích gieo trồng hằng năm trên 71.000 ha, tổng sản lượng lương thực hằng năm khoảng trên 140.000 tấn. Trong đó, cây lúa nước vẫn là cây lương thực chủ lực với diện tích đứng đầu tỉnh, khoảng 13.500 ha, năng suất bình quân cả năm đạt 7,1 tấn/ha, sản lượng thóc đạt gần 96.000 tấn.
Để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện chú trọng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất các loại giống lúa lai F1 và giống xác nhận có chất lượng gạo ngon như: ST24, ST25 nhằm hình thành các vùng chuyên sản xuất lúa giống.
Sản phẩm lúa ST24, ST25 có thị trường tiêu thụ rất lớn, giá bán sản phẩm cao hơn từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so với các giống lúa khác tại địa phương, đã góp phần nâng cao thu nhập của người sản xuất từ 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích.
Đồng hành với các doanh nghiệp, HTX, người dân trong sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu lúa gạo, huyện Ea Kar đã đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi, nạo vét, kiên cố hóa kênh mương, bảo đảm 100% diện tích sản xuất lúa nước được tưới, tiêu chủ động. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sản xuất lúa gạo xây dựng dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, tổ chức hội chợ, hội thảo nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp 714 đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất, sơ chế lúa. |
Xác định cây lúa là một trong 9 sản phẩm chủ lực, thời gian tới, huyện Ea Kar tập trung các nguồn lực đầu tư hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, tổ chức áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất. Đồng thời, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại… đối với sản phẩm lúa gạo.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc