Huyện Krông Búk: "Trợ lực" cho sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2023, huyện Krông Búk có 15 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng.
Cà phê nguyên chất hoa sữa 100% và cà phê hạt rang chất lượng cao Krông Búk của hộ kinh doanh Nguyễn Đình Vạn (xã Cư Né) là hai trong số các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao đầu tiên của huyện. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, chủ hộ kinh doanh này đã được địa phương đề xuất Sở Công Thương phê duyệt hỗ trợ 125 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để lắp đặt hệ thống máy rang cà phê công suất 20 kg/mẻ thay vì sản xuất theo kiểu truyền thống, nhằm mở rộng kinh doanh.
Còn với sản phẩm mật ong lên men Bon Bon của chủ thể Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Kim Long (xã Cư Pơng), sau khi đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh thì được địa phương hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Đầu năm 2023, sản phẩm chính thức có mặt tại chuỗi hệ thống Siêu thị Giga Mall ở TP. Hồ Chí Minh. "Để nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm vào các thị trường lớn, tiềm năng, chúng tôi đang cố gắng nâng hạng sản phẩm đạt 4 sao. Hiện, chúng tôi đang chú trọng đến các tiêu chí như: sản phẩm có tính cộng đồng cao, sử dụng 100% nguyên liệu, lao động là người địa phương; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ...", anh Ngọc Anh thông tin.
Hộ kinh doanh Nguyễn Đình Vạn (xã Cư Né) được hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương để lắp đặt hệ thống máy rang cà phê. |
Bên cạnh sự chủ động của mỗi chủ thể, trợ lực của địa phương đã giúp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ở huyện duy trì được các điều kiện về mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chí đặt ra. Nhờ đó, hầu hết các sản phẩm đều tăng sản lượng tiêu thụ, được khách hàng đánh giá cao.
Cụ thể, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện. Đồng thời liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn, kết nối tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Huyện đã phát triển 12 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trong và ngoài huyện để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Một tín hiệu tích cực, đến nay 100% sản phẩm OCOP huyện đã lên sàn thương mại điện tử, số sản phẩm OCOP được bày bán trên hệ thống các kênh siêu thị đạt tỷ lệ 38%…
“Nâng hạng sản phẩm OCOP là điều kiện bắt buộc trong nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp địa phương, do vậy huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP lập phương án và tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh bảo đảm đạt hiệu quả; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Hoàng Lâm. |
Tuy có nhiều lợi thế phát triển, nhưng huyện Krông Búk gặp không ít khó khăn khi phát triển các sản phẩm OCOP. Tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Krông Búk năm 2023 (tổ chức vào tháng 12/2023), có 3 chủ thể với 4 sản phẩm tham gia, kết quả chỉ có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện, 1 sản phẩm chưa đạt tiêu chí về đăng ký kinh doanh.
Theo ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, dù chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng các chủ thể vẫn gặp những khó khăn như: quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ, yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, việc lập hồ sơ OCOP. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được triển khai, nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP...
Để hoàn thành mục tiêu phát triển hài hòa giữa lượng và chất trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp huyện Krông Búk định hướng các chủ thể phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu.
Thông qua chương trình OCOP, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã bước đầu quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn nhằm hình thành nhiều sản phẩm thế mạnh.
Sản phẩm mật ong lên men Bon Bon được bày bán tại chuỗi hệ thống Siêu thị Giga Mall TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). |
Về phía UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh… qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực của chủ thể về quản trị, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; triển khai các đợt xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, nhân rộng điểm bán hàng OCOP… Tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt khuyến khích các chủ thể chú trọng nâng hạng cho sản phẩm OCOP của huyện.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc