Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk:

Phát huy mạnh mẽ vai trò “bệ đỡ” cho người nghèo và đối tượng chính sách

09:22, 29/01/2024

Trong năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; sự phối hợp của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk (Ngân hàng CSXH) đã triển khai hiệu quả hoạt động cho vay tín dụng chính sách.

Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong năm qua, Ngân hàng CSXH đã tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương để không ngừng nâng cao hoạt động tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tích cực làm việc với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, việc huy động vốn và công tác cho vay tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả rất khả quan.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk cùng lãnh đạo Ngân hàng CSXH kiểm tra hiệu quả vốn vay của một hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số vốn cho vay hơn 2.086 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.356 tỷ đồng, tăng hơn 1.025 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 16,2%, với 168.816 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương hơn 6.922 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,2%; dư nợ vốn ủy thác từ ngân sách địa phương 433,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,8%. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được kiểm soát hiệu quả, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 9,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (dưới 0,2%); có 14/15 phòng giao dịch cấp huyện có nợ quá hạn giảm so với cuối năm 2022, 106/184 xã không có nợ quá hạn. Công tác kiểm tra, giám sát các cấp; các hội đoàn thể và kiểm tra, giám sát chuyên để được thực hiện bảo đảm 100% kế hoạch.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có trên 76.000 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với tổng dư nợ gần 2.728 tỷ đồng, chiếm 37%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh. Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng CSXH, trong 11.793 hộ thoát nghèo và 10.355 hộ thoát cận nghèo năm 2022, đã có 20.011 hộ được vay vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH (tỷ lệ 89%).

Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng CSXH, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, nhất là nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH còn thấp nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn vay cho người dân vay tại một số địa phương. Hiện tại nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH mới chỉ chiếm tỷ trọng 5,8%, trong khi khu vực Tây Nguyên là 7,5% và toàn quốc chiếm 12%...

Do đó, năm 2024, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục tham mưu cho các sở, ban, ngành, địa phương các cấp thực hiện tốt kế hoạch, chỉ thị của Trung ương và địa phương, nhất là việc bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh hoạt động cho vay theo kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình được giao, ưu tiên đối tượng hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS, phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 8% trở lên. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng...

Qua đó, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nam Giang


Ý kiến bạn đọc