Multimedia Đọc Báo in

Tăng "sức đề kháng" cho doanh nghiệp

08:35, 08/01/2024

"Sức khỏe" của doanh nghiệp (DN) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cần làm gì để giúp DN tăng "sức đề kháng" đang là vấn đề cấp thiết.

Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, toàn tỉnh có 1.390 DN thành lập mới (giảm 1,42% so với năm 2022). Vốn điều lệ đăng ký của các DN cũng thấp hơn nhiều so với năm 2022 (trên 10.566 tỷ đồng, giảm sâu đến 35,45%). Đặc biệt, số lượng DN giải thể và tạm dừng kinh doanh trong năm tiếp tục tăng, có đến 959 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động (tăng 10,1% so với năm 2022).

Nhà máy sản xuất của một doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Phú.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến số lượng DN giải thể tăng như: tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp; giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; khó khăn về tài chính; thị trường quốc tế bị thu hẹp và những hạn chế nội tại của DN…, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhận định, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, kinh doanh còn rất hạn chế.

 

“Để đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, các sở, ban, ngành, địa phương phải luôn sát cánh, chia sẻ, động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho DN. Đồng thời cần nâng cao năng lực dự báo, giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN” - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị.

Đồng thời, những nỗ lực của tỉnh, của các sở, ngành, địa phương trong việc nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng DN và chưa được cộng đồng DN đánh giá cao.

Hơn nữa, các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để cũng gây khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của DN. Một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành Trung ương còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường... dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư cho DN.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn do những biến động của kinh tế thế giới. Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hay áp lực cạnh tranh từ quá trình hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu các DN cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần sự hỗ trợ “sát sườn”

Thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ DN, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, thuế cho DN để DN giảm bớt thiệt hại, nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư công, cũng như đầu tư tư nhân; hỗ trợ tối đa cho các DN đầu tư trên địa bàn. UBND tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển.

Đơn cử như Hội thảo “Hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” để lắng nghe những chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia cũng như đề xuất của các sở, ngành, đơn vị về những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững về cả số lượng, chất lượng.

Đại diện Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng) giới thiệu với khách hàng về quy trình sản xuất cà phê đặc sản.

Tuy nhiên, theo chia sẻ Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Huỳnh Văn Dũng, thời gian qua, DN phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó khó khăn nhất là vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, để DN có thể “mạnh” hơn thì Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh cần có những giải pháp gỡ khó một cách “sát sườn”.

Liên quan đến các chính sách tín dụng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Lương cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát quy trình thủ tục cho vay vốn theo hướng đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, các ngành, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển; đẩy mạnh cho vay DN, HTX, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh.

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng sẽ chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng để nắm bắt nhu cầu; hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định và tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.