Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội “vàng” cho chuỗi giá trị nông sản

08:26, 19/02/2024

Các loại nông sản ưu thế của Tây Nguyên như cà phê, sầu riêng, mắc ca… tăng giá mạnh đang thực sự tạo cơ hội tốt cho hướng xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để có được những sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chí xuất khẩu chính ngạch, quy trình  sản xuất chuyên canh các loại nông sản Tây Nguyên cần phải được xem xét lại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, năm 2023 được đánh dấu là năm thành công đột phá của các loại nông sản được giá, nhất là các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch. Bởi thế, bước sang năm 2024, ngành nông nghiệp địa phương đang rất cần nhìn nhận lại một cách thực tế một số vấn đề trong định hướng đầu tư và tổ chức canh tác, sao cho hiệu quả hơn và bảo đảm tính bền vững cao hơn.

“Lựa thời mà bán mà mua”…

Ông Đặng Văn P., một nông dân ở huyện Cư M’gar cho hay, gia đình ông chủ yếu trồng cà phê và các loại cây ăn trái giá trị cao. Một cách đều đặn, phần diện tích trang trại của gia đình ông hằng năm đều mang lại lợi nhuận ổn định. Chính trong thế sản xuất ổn định thời vụ như vậy, ông rút được những kinh nghiệm “xương máu” về cách bán hàng. Khi thị trường có những biến động tích cực về giá cả, ông càng nhận được những bài học quan trọng để khéo điều tiết, hợp tác với những người nông dân khác “để kiếm tiền, lựa thời mà bán mà mua”…

Diện tích không lớn, nhưng thời vụ luôn có giá cao, là tiêu chí quan trọng mà ông P. đặt ra. Vì theo ông, chế độ canh tác nông sản ở cao nguyên không có nhiều biến đổi phức tạp như miền Bắc, nơi gió rét sương sa có thể ập đến bất ngờ, hôm nay nắng hanh, ngày mai đã lạnh băng; lại càng ít bị ảnh hưởng thiên tai như Duyên hải miền Trung. “Tháng Giêng bắt đầu nhìn hoa cà phê đậu trái, tháng năm đã chuẩn bị hái sầu riêng, tháng bảy có thơm cà, tháng mười chọn ca cao… Mắc ca muốn ngon phải om trước Trung thu, còn vụ Tết thì không thể bỏ qua bưởi, dưa các thứ”, người đàn ông bao năm quen với mưa nắng trên đồng nói như đọc vè về những gì có thể thu hoạch quanh năm. Quan trọng hơn, theo ông P., cũng là một loại trái cây ấy nhưng lúc nào nên bán, lúc nào nên chăm, mặc kệ thị trường ồn ào hay yên lặng, cũng đòi hỏi bản lĩnh của người chăm trồng, nắm chắc, hiểu đúng cơ hội bán mua cho mình.

Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch sầu riêng niên vụ 2023. Ảnh: Minh Thuận

Đã đến lúc đề cao chuỗi giá trị

Người nông dân càng canh tác đúng quy trình, thu hoạch, bảo quản, càng đảm bảo được giá trị hàng hóa nông sản và bán hàng được giá. Việc ghi chép lịch canh tác, ngày giờ nào làm việc gì mà không tuân thủ, nông dân làm sao đạt được chất lượng chăm bón cây trồng để có sản phẩm chất lượng. Do đó, thị trường càng đi vào các tiêu chí chính ngạch, nông sản càng tuân thủ chuỗi giá trị sản xuất càng có lợi thế. Sự phối hợp, hướng dẫn từ các tổ chức khoa học hỗ trợ nhà nông, từ chính sách quản lý của cơ quan nông nghiệp, đến thói quen canh tác của nông dân sẽ tạo nên cơ hội vàng cho hàng hóa nông sản.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk nhìn nhận, xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay là phải hướng đến hàng hóa sản lượng lớn, chất lượng cao và ổn định. Điều này càng đòi hỏi ngành nông nghiệp và người nông dân phải thực hành các tiêu chí sản xuất chuyên canh diện tích lớn. Theo đó, vấn đề tuân thủ chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp càng nắm giữ vai trò quan trọng. Định hướng đầu tư và tổ chức canh tác nông sản ở Đắk Lắk cần phải được nhìn nhận nghiêm túc hơn.

Thứ nhất, cần đề cao và làm rõ quan hệ kết nối, tư vấn giữa các cơ quan, tổ chức khoa học nông nghiệp với các nhà quản lý và nhà nông. Cần đưa kiến thức khoa học hiện đại, được cập nhật, những bảng tiêu chí chất lượng vào hoạt động sản xuất của nông dân, lồng ghép trong chính sách của nhà quản lý.

Thứ hai, cần liên kết hiệu quả, công bằng, minh bạch giữa nhà nông với nhà thương nghiệp, nên có sự đầu tư vốn, năng lực kỹ thuật từ các tổ chức doanh nghiệp vào đồng ruộng, trang trại của người nông dân để tăng cường chất lượng nông sản sau canh tác; và hướng bán hàng, tiếp thị đầu ra tốt hơn khi đã có sản phẩm nông sản cụ thể.

Thứ ba, quan trọng hơn, cần công khai chính xác những thông tin về quy hoạch vùng trồng, đơn vị trồng, những diện tích chuyên canh, tiêu chuẩn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… để các bên hợp tác nắm rõ, cùng nhau chấp hành tuân thủ các yêu cầu quản lý và phấn đấu đạt, giữ vững các tiêu chí hàng hóa nên có.

Theo ông P., “trồng được cây có trái đã là giỏi, nhưng đảm bảo trái cây đó đạt yêu cầu thị trường, được ưa chuộng, bán được giá cao, thì kết quả canh tác của người nông dân mới tốt được. Chuỗi giá trị nông sản đồng hành với chiến lược phát triển, quy hoạch những vùng nông sản chất lượng cao, được tuân thủ đúng, phải là lựa chọn tất yếu của các bên tham gia vào sản xuất nông nghiệp, mới bắt đúng được và tạo nên cơ hội vàng cho nông sản. Thị trường càng chấp nhận giá trị nông sản Tây Nguyên, thì người nông dân càng phải lưu ý điều này”.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.