Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp công nghiệp “khát” nhân công

08:09, 23/02/2024

Từ sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cần số lượng lớn công nhân để phục vụ cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Điều này mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương.

Hàng nghìn việc làm “chờ” công nhân

Sau kỳ nghỉ Tết là thời điểm thường hay có sự dịch chuyển lao động tại các DN. Ghi nhận tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, đặc biệt là lao động phổ thông rất lớn, có đơn vị cần tuyển đến cả nghìn người. Thuận lợi của các DN trên địa bàn tỉnh trong việc tuyển dụng nhân công là ảnh hưởng của làn sóng sa thải ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… và tâm lý sau Tết không muốn quay trở lại làm việc xa nhà của nhiều công nhân.

Cơ khí là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều kỹ sư, công nhân. (Trong ảnh: Công nhân cơ khí làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch Vụ - Xuất nhập khẩu Đăng Phong).

Tại Khu công nghiệp Hòa Phú, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tuyển dụng nhiều lao động vào làm việc ở các vị trí như: may mặc, kế toán, kinh doanh, phiên dịch viên, lái xe nâng, vận hành máy, điện nước... Bà Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực gia công áo len, hiện sử dụng 1.000 lao động, chủ yếu là người địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Sắp tới, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 3.000 lao động phổ thông và nhiều vị trí khác. Lao động vào làm sẽ được đào tạo nghề tại chỗ, sau một tháng thì được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm, tham gia tổ chức Công đoàn và được thưởng vào các ngày lễ, tết.

Tương tự, với nhà máy sản xuất len sợi công suất 6.000 tấn/tháng chuẩn bị đi vào hoạt động, từ nay đến tháng 4/2024, Công ty TNHH Công nghệ Lugang Việt Nam tuyển dụng khoảng 700 lao động làm việc ở lĩnh vực vận hành máy, vận hành lò hơi, lái xe nâng, xử lý nước thải... Khi dự án hoàn thiện sẽ cần 1.000 – 1.500 công nhân. Hiện đơn vị này mới tuyển được 200 lao động, tuy nhà máy chưa đi vào vận hành nhưng công nhân vẫn được tạo điều kiện làm những việc đơn giản và được trả lương để giữ chân. Theo bà Đặng Thị Truyền, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Công nghệ Lugang Việt Nam, DN này ưu tiên lựa chọn người lao động địa phương, làm việc theo ca, thu nhập từ lương và phụ cấp từ 7 triệu đồng/người/tháng trở lên...

Lao động phổ thông tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Tại Cụm công nghiệp Tân An 2, Công ty TNHH KVD Vina với nhà máy sản xuất, gia công lông mi nhân tạo có công suất 2.500.000 cặp/năm đang tuyển dụng 2.000 công nhân nam, nữ. Theo bộ phận nhân sự của DN này, công nhân có công việc nhẹ nhàng, lương hưởng theo sản phẩm từ 5 – 13 triệu đồng/người/tháng, được thưởng lương tháng 13, khám sức khỏe định kỳ và DN cũng có siêu thị mini phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân.

Kết nối, hỗ trợ người lao động

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), thời điểm này có 600 DN trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng khoảng 5.500 người, trong đó có hơn 4.000 lao động phổ thông. Các đơn vị tuyển bình quân 10 – 50 người, lương dao động từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng, với ngành nghề chủ yếu là may, làm lông mi giả, cao su, cơ khí, nhân viên kinh doanh.

Bên cạnh đó, 30 đơn vị ngoại tỉnh cũng đến Đắk Lắk tuyển lao động các nghề may mặc, sản xuất đồ gỗ, bàn ghế, xây dựng, thu nhập 10 – 15 triệu đồng/người/tháng. Trước nhu cầu lớn của DN và để hỗ trợ việc làm cho lao động địa phương, những ngày đầu năm, đơn vị đã kết hợp hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại các lễ hội trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/2, Trung tâm đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp, xuất khẩu lao động và các chế độ chính sách cho 4.323 lượt người, trong đó đã giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho 788 người.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho quân nhân xuất ngũ tại Tiểu đoàn 303.
 

“Thời điểm này đang có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để có công việc, thu nhập tốt, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin nhằm lựa chọn việc làm phù hợp với điều kiện, năng lực. Bên cạnh đó, khi tìm kiếm việc làm, người dân nên thông qua các kênh chính thống để tránh bị thiệt hại”.

 
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk

Hạn chế của lao động địa phương là vẫn còn thói quen làm việc thời vụ (chỉ có 40% số lao động làm việc ổn định sau khi được giới thiệu việc làm), số lượng lao động trình độ cao còn ít, nên khả năng có được vị trí việc làm hấp dẫn, thu nhập cao là không nhiều.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh phía Nam để lấy thông tin tuyển dụng tốt nhằm cung cấp cho người lao động; tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung - cầu lao động; tuyên truyền về chính sách việc làm nhằm giúp người dân nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thông tin về thị trường lao động, hướng nghiệp, dạy nghề; chú trọng tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh lớp 12, bộ đội mới xuất ngũ; xúc tiến, đưa người lao động đi xuất khẩu lao động tại những thị trường mới, mức thu nhập cao...

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, Khu công nghiệp Hòa Phú hiện có 61 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5.973 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.000 lao động, với mức lương bình quân khoảng 6,4 triệu đồng/người/tháng.

Trong thời gian tới, đơn vị đang thu hút thêm nhiều dự án đầu tư, đây là cơ hội cho nhiều lao động tìm được việc làm ổn định.

Đồng thời, đơn vị cũng sẽ quan tâm, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động; đôn đốc, hỗ trợ và giám sát DN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động; giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa; động viên, khuyến khích DN chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động cao hơn quy định của Bộ luật Lao động nhằm thu hút và giữ chân lao động gắn bó lâu dài.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.