Dự án Hồ chứa nước Krông Pắc thượng: Công trình thủy lợi đa mục tiêu
Không chỉ tạo nguồn nước tưới cho hàng nghìn héc-ta đất canh tác nông nghiệp kết hợp cấp nước cho sinh hoạt, Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng còn gắn với sinh kế của hàng chục nghìn hộ dân, gắn với bảo vệ môi trường và góp phần phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tạo cảnh quan vùng Dự án.
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng (gọi tắt là Dự án) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt chủ trương từ năm 2009, do nhiều nguyên nhân đến năm 2013, Dự án mới được khởi động. Công trình chính thức chặn dòng tích nước từ tháng 3/2023, đến nay giai đoạn 1 đã hoàn thành. Các đơn vị liên quan đang chuẩn bị sẵn sàng để triển khai giai đoạn 2 vào quý I/2024.
Dự án đa mục tiêu
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 gồm các hạng mục: Xây dựng hoàn thành cụm hồ Ea Rớt hồ Krông Pách thượng và 52 km kênh chính, 9 tuyến kênh cấp 1. Dự án có 2 hồ chứa nước, với quy mô cụ thể: Hồ Ea Rớt gần 20 triệu m3, nhiệm vụ tưới cho gần 2.150 ha hiện nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, cung cấp nguồn nước cho vùng hạ lưu, trong đó có khu tái định cư số 1 (nay là thôn Yang San, xã Cư Elang, huyện Ea Kar). Hồ Krông Pách thượng có dung tích 123 triệu m3 nước, phục vụ nước tưới cho khoảng 12 nghìn héc-ta chủ yếu khu vực huyện Ea Kar. Ngoài phục vụ nước tưới, hồ Krông Pách thượng còn cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân. Khi triển khai dự án này có 4.849 hộ bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi 3.174 ha, trong đó phải tái định cư 771 hộ.
Phối cảnh tổng thể Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê khẳng định, Hồ chứa nước Krông Pách thượng là một trong ba công trình thủy lợi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, từ đó góp phần thay đổi đời sống của người dân vùng Dự án. Đây là công trình trọng điểm nên ngay từ khi bắt đầu triển khai Dự án, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dân về khu tái định cư. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo để sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dự án này nói riêng và các dự án trọng điểm khác của tỉnh nói chung.
Hồ Krông Pách thượng nhìn từ trên cao. Ảnh: Vạn Tiếp |
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, sau khi hoàn thiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng thì đời sống của người dân vùng Dự án chắc chắn sẽ có bước phát triển. Việc ổn định nguồn nước cho khu vực Tây Nguyên nói chung và khu vực 4 huyện được hưởng lợi từ dự án này nói riêng rất quan trọng đối với vấn đề an ninh nguồn nước tại đây. Thứ trưởng cũng đánh giá, Tây Nguyên là khu vực có đất đai màu mỡ, chỉ cần có nguồn nước, chắc chắn sẽ tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Như vậy, Hồ chứa nước Krông Pách thượng sẽ góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả vùng. Dự án này hoàn thành sẽ là hạ tầng rất quan trọng để tỉnh Đắk Lắk kết hợp làm các hoạt động khác đa mục tiêu như: Cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho các khu công nghiệp công nghệ cao của địa phương; phát triển du lịch, điều hòa khí hậu...
Chạy đua tiến độ trên công trường
Tính đến cuối năm 2023, giai đoạn 1 của Dự án cơ bản hoàn thành. Đó là kết quả của sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, phải kể đến sự tham gia trực tiếp của các nhà thầu đã “vượt nắng, thắng mưa” huy động nhân lực, vật lực để triển khai thi công công trình ở một khu vực có địa hình trắc trở.
Hệ thống kênh chính Bắc thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng hoàn thành sẽ phục vụ nguồn nước tưới cho hàng chục nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp của người dân vùng dự án. |
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân, di chuyển máy móc, thiết bị đến thi công Dự án, Phó Giám đốc Chi nhánh Tây Nguyên thuộc Tổng Công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (địa chỉ tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) Lê Quang Đại chia sẻ, cán bộ, kỹ sư làm công trình, dự án thủy lợi luôn xác định được những khó khăn, thách thức phải đối mặt, đó là địa hình trắc trở, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt, đối với dự án này, thời điểm đầu triển khai gặp rất nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, dẫn tới tiến độ ảnh hưởng. Thêm vào đó, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, mọi hoạt động trên công trình đều gặp vướng thủ tục cũng như quá trình di chuyển, điều động nhân công. Hơn nữa, mùa mưa Tây Nguyên kéo dài nhiều tháng, có những thời điểm thi công cống xi phông gặp mưa lớn, cả cán bộ quản lý, kỹ sư và nhân công phải tăng ca làm gần như xuyên đêm để bơm hút nước. Song về phía Công ty luôn động viên anh em vượt qua những “rào cản”, để cùng với các đơn vị liên quan, góp phần đưa Dự án giai đoạn 1 về đích như hôm nay.
Đảm nhận gói thầu trong hạng mục đập đất số 2, ngay sau lễ chặn dòng tích nước cụm công trình đầu mối của Dự án, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn và Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng 470 (địa chỉ trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột) đã huy động hàng chục máy móc, thiết bị, cán bộ, kỹ sư bám trụ công trường. Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn Lê Đình Hải cho biết, do tính cấp thiết của Dự án, Công ty dựng lán trại gần với khu vực công trình để thuận tiện cho việc ăn nghỉ của anh em, nhờ vậy các ca máy hoạt động liên tục, bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra.
Sẵn sàng cho giai đoạn 2
Nhằm tiếp tục hoàn thiện và phát huy hiệu quả tổng thể Dự án, giữa tháng 8/2023, Bộ NN-PTNT đã có quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Hồ chứa nước Krông Pách thượng giai đoạn 2, với tổng kinh phí hơn 1.120 tỷ đồng.
Người dân nhường đất để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng đang có cuộc sống ổn định ở Khu tái định cư. Ảnh: Vạn Tiếp |
Dự án do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 làm chủ đầu tư công tác xây dựng kênh chính Bắc (đoạn Km21+354 - K33+980,5); tổ chức lập hồ sơ khảo sát, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở toàn Dự án và các công việc liên quan. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư công tác xây dựng toàn bộ hệ thống kênh cấp 1, kênh cấp 2, cấp 3 thuộc địa bàn huyện Krông Pắc và các công việc liên quan. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea Kar thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư công tác xây dựng kênh cấp 2 thuộc địa bàn huyện Ea Kar; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư toàn Dự án và các công việc liên quan. Dự kiến diện tích đất thu hồi khoảng 172 ha, khoảng 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 Lê Khắc Tuyến cho biết, nhiệm vụ giai đoạn 2 của Dự án nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống kênh tưới nối tiếp từ hệ thống kênh chính đã xây dựng ở giai đoạn 1 đảm bảo cấp nước tưới cho 12.750 ha đất canh tác (trong đó, kênh Bắc 9.211 ha, kênh Nam 3.539 ha); tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi cho người dân vùng Dự án.
Hiện nay, Ban 8 đã và đang phối hợp với các đơn vị triển khai hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn phù hợp tiêu chuẩn hiện hành và đặc điểm của công trình. Đồng thời, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế Bản vẽ thi công, dự toán đảm bảo tính đồng bộ; lấy ý kiến các chuyên gia về hồ sơ thiết kế và phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea Kar trước khi thẩm định phê duyệt Bản vẽ thi công, dự toán Dự án. Dự kiến sẽ khởi công kênh chính Bắc (đoạn Km21+354 - K33+980,5) vào cuối quý I/2024.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc