Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

08:19, 22/02/2024

Nhằm phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 để bàn giao cho đơn vị thi công bảo đảm đúng tiến độ, thời gian qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Krông Bông đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được chia làm ba dự án thành phần, với tổng chiều dài 117,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, đi qua hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.

Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) làm cơ quan chủ quản và Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Trong đó, Dự án thành phần 2 đi qua địa bàn huyện Krông Bông có tổng chiều dài khoảng 16,2 km, thuộc địa bàn các xã Cư Drăm (5,2 km) và Cư Pui (11 km). Diện tích mặt bằng phải bàn giao cho dự án gần 170 ha (xã Cư Pui hơn 120 ha, Cư Drăm gần 50 ha). Trong đó có 75,2 ha đất có rừng, gần 95 ha đất không có rừng thuộc phần bị lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Tổ vận động của huyện Krông Bông đến từng hộ dân tuyên truyền về các chủ trương, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đến ngày 7/2/2024, UBND huyện Krông Bông đã phê duyệt 19 phương án bồi thường, hỗ trợ cho 228 hộ/98 ha, với số tiền 13,7 tỷ đồng. Đồng thời, UBND huyện cũng đã ban hành các quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án theo quy định.

Đối với diện tích đất có rừng phải chuyển mục đích sử dụng, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện chủ động thuê đơn vị tư vấn có năng lực phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và UBND xã Cư Pui, UBND xã Cư Drăm tổ chức kiểm đếm, xác định trữ lượng và lập hồ sơ, thủ tục để thu hồi, tận thu lâm sản sau bồi thường theo đúng quy định.

Đối với những khó khăn, vướng mắc về quy định, hướng dẫn thực hiện, UBND huyện đã lập văn bản xin ý kiến và đề nghị các ngành của tỉnh xem xét, hướng dẫn để huyện có cơ sở triển khai kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Nguyễn Ngọc Pháp, để hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho đơn vị thi công đúng tiến độ, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, nhất là các chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ đối với dự án này khi Nhà nước thu hồi đất cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án.

Đồng thời, huyện cũng chú trọng quy trình thực hiện, quan tâm đến những vấn đề mà người dân đặt ra để có giải pháp thỏa đáng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Bên cạnh đó, thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt phát động quần chúng, nhiều buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với người dân; phân công tổ vận động, trong đó có các đơn vị chuyên ngành, chi bộ, ban tự quản, người có uy tín, chức sắc ở thôn, buôn đến từng hộ để tuyên truyền, vận động và thực hiện chi trả ngay khi người dân đồng thuận.

Sẽ cương quyết thu hồi đất theo quy định

Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên trong quá trình bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án này vẫn còn khó khăn trong việc xác định thời điểm lấn chiếm đất lâm nghiệp để tính mức hỗ trợ, bồi thường.

Kết quả thực hiện xác định thời điểm lấn chiếm đất lâm nghiệp của các cơ quan chức năng căn cứ vào hồ sơ, tài liệu về bản đồ hiện trạng rừng, kết quả kiểm kê hiện trạng đất qua các thời kỳ... có nhiều trường hợp không trùng khớp với kê khai của người dân, nên số tiền Nhà nước chi trả theo phương án bồi thường, hỗ trợ chưa đáp ứng mong muốn, đòi hỏi của một số hộ.

Dù UBND huyện đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích, vận động, nhưng hiện nay một số hộ dân vẫn chưa thống nhất với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Máy móc tập trung tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (đoạn qua xã Cư Drăm, huyện Krông Bông).

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong thời gian tới UBND huyện Krông Bông sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân biết, hiểu rõ quy định của Nhà nước về các chính sách hỗ trợ, bồi thường thu hồi đất và tầm quan trọng, lợi ích của việc đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, kiên trì, sáng tạo, linh hoạt phương pháp vận động phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Huyện cũng chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện khẩn trương chi trả tiền cho người dân theo các phương án đã được UBND huyện phê duyệt và phối hợp cùng đơn vị tư vấn làm việc với các ngành của tỉnh để được hướng dẫn và hoàn thiện phương án xử lý tài sản tận thu, tận dụng theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, để công tác bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, bàn giao đất thu hồi thực hiện dự án đúng quy định, tiến độ mà Chính phủ, UBND tỉnh đã đề ra, đảm bảo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, huyện Krông Bông đã có tờ trình đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, đồng ý chủ trương thực hiện cưỡng chế đối với những trường hợp không chấp hành quyết định thu hồi đất, bàn giao đất thu hồi thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông.

Sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp không chấp hành quyết định thu hồi đất, bàn giao đất thu hồi để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Các đơn vị của huyện đã tiến hành bàn giao 80 ha, trong đó bàn giao thực địa 59,6 ha; cung cấp trước thông tin để Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) tiếp nhận, chủ động triển khai thi công đối với 20,4 ha người dân đã đồng ý nhận tiền vào giáp Tết Nguyên đán chưa kịp bàn giao thực địa.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.