Nhà vườn tất bật “hồi sinh” hoa đào sau Tết
Sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các nhà vườn trồng đào lại tất bật với công việc “hồi sinh” những gốc đào, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Với kinh nghiệm trồng đào hơn 20 năm, chị Vũ Thị Hằng (chủ vườn đào Hùng Hằng, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) chia sẻ, sau Tết là thời điểm thích hợp nhất để hồi phục lại những gốc đào.
Từ mùng 5 Tết, các nhà vườn đã tất bật chuẩn bị những công đoạn cần thiết để trồng và chăm sóc lại những cây đào còn sót lại của mùa trước, như cày đất, bỏ vôi, trộn đất, khoan hố, xuống hoa, tỉa cành… chuẩn bị cho một mùa hoa đào mới.
Cải tạo đất là quy trình đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình “hồi sinh” vườn đào. Bởi sau một lứa đào thì đất đã không còn được tơi xốp nên để đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của cây, bắt buộc người trồng phải thay đất cũ. Đất thay mới phải là loại đất màu mỡ, đất thịt pha sét, giàu dinh dưỡng mới giúp cây phát triển tốt.
Chị Lã Thị Hồng (chủ vườn đào Nam Hồng, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) cắt, tỉa cành, tạo lại dáng cây đào chuẩn bị cho mùa vụ mới. |
“Vào những ngày này, ngoài nhập giống mới để xuống giống, tôi tranh thủ thu gom các gốc đào đã qua sử dụng để trồng lại. Bên cạnh đó, có nhiều khách quen thường chọn phương án gửi cây để gia đình tôi chăm sóc, phục hồi lại nhằm tiết kiệm kinh phí mua cây cho năm sau”, chị Hằng cho hay.
Chị Lã Thị Hồng (chủ vườn đào Nam Hồng, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) thì cho biết, đối với việc tái tạo lại cây đào, việc cắt tỉa cành là bước rất quan trọng, giúp cây không lãng phí chất dinh dưỡng nuôi cành, từ đó giúp cây có cành mới khỏe mạnh, nhiều chồi lộc và nhiều hoa hơn. Ngoài ra, việc trồng, chăm sóc đào phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật ngay từ những ngày đầu để đảm bảo sự phát triển, sinh trưởng của cây. “Mùa Tết năm nay, vườn của gia đình tôi chỉ bán được một nửa nên số cây đào còn sót lại rất nhiều. Tôi sẽ chọn những gốc đào khỏe, dáng đẹp, nhiều năm tuổi, có khả năng phục hồi nhanh để trồng lại. Bên cạnh đó, sau khi cải tạo lại đất trồng, để đủ số lượng gối vụ mới, tôi sẽ nhập cây giống về ươm vào bầu khoảng 20 ngày cho rễ bám chắc, khỏe, sau đó mới mang đi trồng xuống hố để cây sinh trưởng tốt hơn”, chị Hồng chia sẻ.
Bà Bùi Phương Yến (chủ vườn đào Yến Sáu, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) trồng lại cây đào xuống hố sau khi đã cải tạo lại đất. |
Theo nhiều nhà vườn, hoa đào là giống cây rất khó tính, công đoạn chăm sóc lại cây đào rất vất vả và ẩn chứa nhiều rủi ro. Những gốc đào trồng lại cũng có khả năng bị chết, bởi sau một mùa bán tết, cây đào không được chăm sóc kỹ, gặp nhiều tác động bên ngoài ảnh hưởng đến rễ. Chỉ cần vài cây có tuổi đời cao bị hỏng là đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho nhà vườn. Nếu được chăm sóc đúng quy trình, phải 2 - 3 tuần sau mới biết được những cây nào khỏe, cây nào yếu, có khả năng bị hỏng. Đặc biệt, khi trồng lại cần ủ rơm quanh gốc đào, thường xuyên đảm bảo cung cấp đủ nước, giữ ẩm và chất dinh dưỡng để cây phát triển khỏe mạnh. Mặc dù tốn nhiều công sức, nhưng để có mùa đào mới thành công thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là thời tiết.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc