Phải giải được bài toán "vay để làm gì?"
Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh chính sách tín dụng không có nhiều thay đổi, thanh khoản hệ thống dồi dào đang đặt ra nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn hệ thống ngân hàng.
Doanh nghiệp “nín thở”
Những năm gần đây, số DN rời khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh. Theo số liệu của UBND tỉnh, riêng trong năm 2023, toàn tỉnh có 959 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động (tăng 10,1% so với năm 2022), trong khi đó chỉ có 1.390 DN thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký trên 10.560 tỷ đồng (giảm 35,45% so với năm 2022) và 386 DN tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động (giảm 14,6%). Điều đó cho thấy các DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mạnh dạn đầu tư và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ đều có xu hướng thu hẹp sản xuất, ngại mở rộng.
Có nhiều yếu tố dẫn đến xu hướng trên, nhưng quan trọng nhất là do nhu cầu tiêu dùng giảm nên các DN có xu thế “nín thở” để xem xét thị trường, dẫn đến nhu cầu tín dụng không cao. Theo đại diện một DN trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, dù lãi suất ngân hàng giảm, cơ hội tiếp cận nguồn tiền tăng, nhưng đơn vị không dám vay, không dám mở rộng đầu tư. DN không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho, DN còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì còn nguy hiểm hơn. DN chỉ dám vay khi đã chắc chắn “nắm” được khách hàng hay đơn đặt hàng.
Doanh nghiệp trong tỉnh đang chịu sức ép cạnh tranh lớn khi thiếu sự hỗ trợ nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. (Trong ảnh: Một doanh nghiệp thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc). |
Trên thực tế, đối với DN của Đắk Lắk, bên cạnh khó khăn chung do tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khiến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, kết hợp với khó khăn do thị trường bị thu hẹp thì những hạn chế nội tại như: quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, năng lực cạnh tranh yếu... cũng khiến họ càng cân nhắc khi sử dụng nguồn lực tài chính từ tín dụng ngân hàng.
Cần giải pháp đồng bộ cho tăng trưởng tín dụng
Đẩy mạnh tín dụng đang là "bài toán khó" với nhiều ngân hàng, do tất cả các phân khúc khách hàng đều gặp khó khăn. Bên cạnh những khách hàng “không muốn vay” do nhu cầu vay vốn thấp thì cũng có không ít khách hàng “không thể vay” do tài sản đảm bảo không đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng. Ông Hoàng Văn T., đại diện một DN nông nghiệp chia sẻ, do nhu cầu đầu tư sản xuất, ông cần một lượng vốn lớn, nhưng tài sản bảo đảm của ông chỉ đáp ứng được 30% tổng nhu cầu vốn do hầu hết diện tích đất của DN là đất nông nghiệp. Sau nhiều lần “gõ cửa” ngân hàng không thành, nên ông không “mặn mà” việc vay vốn ngân hàng nữa. Theo ông T., khi nghiên cứu một hồ sơ vay vốn, ngân hàng cần hỏi DN vay vốn để làm gì, khả năng hoàn trả vốn ra sao. Vì không có tài sản thế chấp nên ngân hàng phải dựa vào luồng tiền của DN để trả nợ. Nếu ngân hàng xem xét thấy dự án mà DN trình bày có khả năng tạo ra doanh thu, tiền lãi để trả vốn thì lúc đó ngân hàng nên cho vay. Có như vậy thì tín dụng mới “thông” được.
Đối với vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho hay, đây không phải là vấn đề mới, nhưng không nhiều ngân hàng muốn thực hiện. Bởi những khoản cho vay dạng này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến nợ xấu. Và để “tự tin” giải ngân, ngân hàng cũng phải có cả hệ thống để quản lý chặt chẽ việc cho vay này, từ tiền đầu tư, thu nhập, doanh thu, chi phí, tiền trả nợ… của DN. Do đó, bên cạnh nỗ lực từ phía ngân hàng, DN cần phải tăng cường minh bạch hóa dòng tiền và phương án kinh doanh để củng cố niềm tin và mối quan hệ với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh cho các khoản vay của DN nhỏ và vừa để cải thiện tình hình tài chính và nâng cao khả năng đáp ứng chuẩn cho vay của các tổ chức tín dụng.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc