Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng trưởng và kiểm soát chất lượng tín dụng

08:11, 28/02/2024

Đối với Đắk Lắk, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trước những khó khăn và diễn biến phức tạp của thị trường thời gian qua, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh. 

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN KIM CƯƠNG, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) về vấn đề này.

* Thưa ông, xin ông cho biết nhận định của mình về triển vọng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2024?

Theo tôi, với những nền tảng đã có trong năm 2023, cộng thêm những kết quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang có những khởi sắc nhất định sẽ tạo đà cho tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Bằng chứng là mặc dù tăng trưởng tín dụng của cả nước trong tháng 1/2024 giảm 0,6% so với cuối năm 2023, nhưng trên địa bàn Đắk Lắk, dư nợ tín dụng toàn địa bàn vẫn đạt 151.900 tỷ đồng (tăng 0,05% so với đầu năm).

Có được kết quả trên, bên cạnh yếu tố niên vụ cà phê (nông sản chủ lực của tỉnh) bắt đầu từ tháng 11 nên các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nguồn vốn cho vay hộ kinh doanh, doanh nghiệp thu mua, chế biến phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu thì còn có yếu tố từ các doanh nghiệp, người dân tập trung đầu tư kinh doanh, sản xuất nên dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2024, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực, rà soát, hỗ trợ, giải ngân vốn cho khách hàng vay đầu tư phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhiều khách hàng sau khi được cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất đã phục hồi sản xuất, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (thứ hai từ phải sang) kiểm tra hiệu quả vốn của khách hàng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt được như mong muốn và chưa thể khẳng định được xu hướng trong thời gian tới. Bởi tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau

* Như vậy, con số tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2024 trên địa bàn tỉnh là chưa thật sự bền vững, vậy đâu là nguyên nhân của nó, thưa ông?

Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, trong giai đoạn hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng như thế nào không phải đến từ cơ chế, chính sách của ngân hàng hay lãi suất mà yếu tố chính đến từ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Trên địa bàn Đắk Lắk, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh trên thế giới, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn… Cùng với đó, sự suy giảm của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất có liên quan dẫn đến “sức khỏe” doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi cũng được xem là trở ngại lớn đối với khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Theo tôi, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn sẽ là khó khăn lớn của năm 2024, nhất là khi các gói hỗ trợ lãi suất đã kết thúc trong năm 2023 và sẽ không còn tiếp tục trong năm 2024.

* Trước những khó khăn đó, NHNN sẽ có những giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, thưa ông?

Không phải sang năm nay ngành ngân hàng mới đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2024. Như tôi đã nói ở trên, ngay từ cuối năm 2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có động thái giảm lãi suất cho vay. Tại Đắk Lắk, lãi suất các ngân hàng thương mại cho vay đang ở mức phổ biến từ 7 - 10%/năm, thậm chí có một số đơn vị còn đưa ra mức lãi suất với gói vay ưu đãi dưới 7%. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ngay trong quý I/2024 các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng.

Thời gian tới, NHNN sẽ đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung nghiên cứu đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và thuận lợi hơn; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung cải cách thủ tục hành chính khi giải ngân vốn và dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay, nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để tiếp tục tháo gỡ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền hay nguồn trả nợ, NHNN đang xem xét cho các tổ chức tín dụng kéo dài biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

* Xin cảm ơn ông!

 Giang Nam (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.