Multimedia Đọc Báo in

Phát huy nội lực của hợp tác xã nông nghiệp

07:12, 07/03/2024

Tận dụng thế mạnh, nguồn nhân lực tại địa phương, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt cơ hội, gia tăng nội lực của bản thân để từng bước vươn lên phát triển và cạnh tranh trên các thị trường lớn.

Toàn tỉnh hiện có 517 HTX nông nghiệp và 394 tổ hợp tác, với hơn 23.000 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 13.000 lao động. Trong giai đoạn 2021 – 2023, có 191 HTX nông nghiệp và 143 tổ hợp tác thành lập mới.

Đặc biệt, các HTX đã tham gia, đóng góp có hiệu quả vào Chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tổ chức liên kết hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 124/152 xã đạt tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất), có 26 HTX nông nghiệp đã có sản phẩm OCOP và nhiều HTX đang triển khai tham gia, tiếp tục nâng hạng sản phẩm OCOP.

Sản phẩm gà bản địa Buôn Đôn của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Quân Vương (huyện Buôn Đôn) đã được chứng nhận OCOP 3 sao.

Ông Hoàng Minh Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Quân Vương (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cho hay, sau thời gian tập trung chăn nuôi, ấp nở giống gia cầm, hiện nay HTX đẩy mạnh phát triển các sản phẩm gà thịt.

Để tìm được các thị trường lớn thì HTX đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Tháng 12/2023, sản phẩm gà bản địa Buôn Đôn của HTX đã được đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao. Nhờ vậy mà các sản phẩm gà của HTX được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn.

Hay như HTX Sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng) luôn đặt nhu cầu và thị hiếu của thị trường là định hướng phát triển của mình. Hiện HTX có 227 thành viên, canh tác 360 ha cà phê, đạt sản lượng bình quân 1.330 tấn/năm.

HTX thường xuyên nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất, gia tăng sản lượng thu hái bảo đảm độ chín, phù hợp với quy trình chế biến ướt.

Hiện nay, HTX đã có hơn 10 dòng sản phẩm từ cà phê (cà phê bột, hạt, hòa tan 3 in 1, phin giấy…), trong đó có hai dòng sản phẩm cà phê hạt rang và cà phê bột đạt OCOP 3 sao. Nhờ vậy, sản phẩm bán ra luôn có giá ổn định và cao hơn thị trường từ 12 – 15 triệu đồng/tấn so với cà phê cùng loại.

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 200 HTX có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và 130 HTX có ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử như HTX Nông nghiệp dịch vụ Thăng Bình (huyện Krông Bông), đầu năm 2020 đã đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng chế biến lúa gạo có quy mô 2.000 m2 với 4 lò sấy công suất 120 tấn/mẻ.

Hiện nay, HTX đã xây dựng được 2 tổ liên kết, 4 tổ hợp tác tại các xã trong huyện, với diện tích trên 800 ha. Đồng thời, HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp có quy mô và uy tín để hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao như ST24, ST25, RVT…

Các thành viên Hợp tác xã Dê Đắk Lắk đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm ra thị trường.

Điều đáng chú ý là sản phẩm của HTX nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là ở các HTX có đội ngũ nhân sự trẻ tuổi, được đào tạo bài bản.

Đơn cử như HTX Dê Đắk Lắk (huyện Buôn Đôn), với lợi thế thành viên HTX đều là những người trẻ, năng động, được đào tạo qua các lĩnh vực khác nhau nên khi hợp tác đã tạo ra một môi trường lành mạnh, có sự kết nối giữa doanh nghiệp, HTX, tạo việc làm ổn định cho người dân tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX Dê Đắk Lắk chia sẻ, hiện nay trung bình mỗi tháng HTX xuất bán hơn 10 tấn dê thịt ra thị trường, giải quyết việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương… Đặc biệt, ngoài tập trung chăn nuôi, HTX còn đa dạng hóa các sản phẩm từ sữa dê, khô dê, sữa chua sấy thăng hoa… bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để từng bước tăng nội lực cho HTX.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể - HTX tỉnh cho hay, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo phấn đấu kiện toàn Quỹ tín dụng hỗ trợ HTX.

Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; triển khai Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh tế tập thể, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các HTX… Qua đó, góp phần giúp các HTX bắt kịp với xu hướng phát triển của thị trường trong và ngoài nước trong giai đoạn hiện nay.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.