Multimedia Đọc Báo in

Để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu: "Mở" nhưng phải "chặt"

09:01, 12/04/2024

Bộ Công Thương vừa đề xuất một số thay đổi về công thức và cơ chế giá trong Tờ trình về việc ban hành nghị định mới trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong đề xuất này là Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp (DN) tự quyết định giá.

Cụ thể, dự thảo mới tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh, các loại thuế, lợi nhuận của DN... Từ đó, DN đầu mối sẽ tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán của DN không được cao hơn giá tối đa theo công thức quy định. Sau khi công bố, DN thông báo giá bán cho cơ quan quản lý nhà nước để giám sát.

Bộ Công Thương cho rằng, theo phương án này, việc tính toán chi phí hằng tháng của thương nhân được giảm bớt, đây là cải cách trong tính toán giúp DN và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Đặc biệt, DN phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá.

Có thể thấy, với phương án để DN xây dựng giá bán sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi tiêu thụ xăng dầu và giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc "thả nổi" giá xăng dầu sẽ có thể dẫn đến nhiều “kịch bản” khác nhau nếu cách tính giá không được kiểm soát tốt. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là khả năng xảy ra việc “độc quyền hóa” lĩnh vực xăng dầu.

Giao dịch tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)
Giao dịch tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước có 33 DN đầu mối thì riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty Dầu Việt Nam cung cấp khoảng 59,3% tổng nguồn tiêu thụ nội địa, còn lại 40,7% nguồn do những thương nhân đầu mối khác đảm nhiệm. Nhìn vào con số trên, phương án để DN xây dựng giá bán sẽ tạo nên sự cạnh tranh nhất định giữa các DN đầu mối, giúp giá xăng dầu sát với thị trường hơn. Theo đó, DN nào có phương án kinh doanh, công tác quản trị tốt hơn sẽ tiết giảm được chi phí để đưa ra giá bán cạnh tranh hơn. Thế nhưng trên thực tế, ở một mức độ nào đó, hai tập đoàn lớn đã, đang và sẽ đóng vai trò “dẫn dắt” thị trường. Khi DN được phép tự quyết định giá xăng dầu có thể dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, các DN đầu mối nhỏ sẽ không chịu nổi áp lực cạnh tranh với các “ông lớn”. Lúc này sẽ dẫn đến nguy cơ xăng dầu trở thành mặt hàng “độc quyền”. Trong khi đó, một trong những vấn đề quan trọng khi để thị trường quyết định thì giá bán phải là giá thực tế đến tay người tiêu dùng. Nghĩa là DN bán lẻ mới là đối tác trực tiếp của người tiêu dùng, nhưng những DN bán lẻ hiện nay chỉ có thể nhập xăng dầu từ các thương nhân đầu mối thay vì có thể thương lượng trực tiếp với nhà sản xuất. Như vậy, về bản chất, giá bán lẻ xăng ra thị trường vẫn do DN đầu mối quyết định.

Đành rằng, việc giảm sự can thiệp của Nhà nước vào việc hình thành giá trên thị trường nói chung, lĩnh vực xăng dầu nói riêng sẽ là xu thế cần hướng đến. Thế nhưng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là yếu tố “đầu vào” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Hơn nữa trong bối cảnh chưa hình thành được thị trường xăng dầu có tính cạnh tranh thực thụ như hiện nay thì mục tiêu tiên quyết hướng đến là vẫn phải giữ ổn định nguồn cung, ổn định thị trường, hỗ trợ phát triển cho nền kinh tế và đáp ứng các mục tiêu quản lý khác của Nhà nước. Do đó, việc áp dụng phương án để DN tự quyết định giá xăng dầu cần được suy tính kỹ lưỡng và đi kèm theo đó phải có những phương án quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.