Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nông dân mất mùa vụ vải

08:43, 16/04/2024

Thời điểm này, nông dân trồng vải thiều huyện Krông Bông đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch, nhưng với tâm trạng buồn rầu vì năm nay vải mất mùa, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quý (thôn 1, xã Dang Kang) là một trong những hộ tiên phong trồng vải thiều tại địa phương.

Diện tích trồng vải của gia đình ông khoảng 5 sào, trồng giống vải u hồng từ năm 2018. Năm ngoái, thời tiết thuận lợi, vườn vải đạt sản lượng cao (khoảng 6 tấn quả) đã giúp gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Song, năm nay, thời tiết nắng nóng khiến vườn vải gần như không ra hoa, tỷ lệ cây ra hoa chỉ đạt khoảng 10%.

“Ước tính sản lượng cả vườn vải năm nay chỉ thu được khoảng 3 tạ quả. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài cũng đã làm cho quả vải bị nấm, nứt và khô vỏ buộc phải cắt bỏ; cùng với đó là bị chim chóc phá nên đến khi thu hoạch, số lượng vải của gia đình tôi còn lại chắc chẳng là bao”, ông Quý than thở.

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, tỷ lệ cây vải ra hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Quý (thôn 1, xã Dang Kang) chỉ đạt khoảng 10%.

Tương tự, đã gần đến thời điểm thu hoạch nhưng vườn vải u trứng rộng 1,5 ha, được trồng từ năm 2019 của gia đình ông Phạm Văn Hùng (thôn 2, xã Dang Kang) cũng chỉ lác đác quả. Năm trước, vườn vải cho thu hoạch gần 2 tấn quả và được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, giúp ông thu lãi hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ vải năm nay ước tính sản lượng chỉ bằng 1/10 so với năm ngoái do thời tiết bất lợi. Ông Hùng nhẩm tính, với giá thương lái đặt mua như hiện nay là 47.000 – 50.000 đồng/kg, thì số tiền bán vải năm nay may ra chỉ mới đủ trả tiền phân bón.

Phó Chủ tịch UBND xã Dang Kang Huỳnh Hoàng Lâm cho biết, toàn xã có hơn 100 ha vải, đa phần đều mất mùa khoảng 80 – 90% so với năm ngoái, thậm chí có một số vườn vải gần như mất trắng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường. Theo đó, năm nay thời gian lạnh ít, vào thời điểm cây vải ra hoa từ tháng 11 đến tháng 12 thì gặp thời tiết nắng nóng nên không đủ độ lạnh để cây phân hóa mầm hoa dẫn đến khô hoa, không đậu quả. Ngoài ra, một phần là do người dân chủ quan triển khai các biện pháp thúc vải ra hoa (khoanh cây, siết nước) không đúng thời điểm nên không đạt hiệu quả.

 

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển diện tích trồng vải (định hướng đến giai đoạn 2025 - 2030 là 500 ha) để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và thương hiệu vải tại huyện Krông Bông. Đồng thời tích cực mời gọi các doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư, liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm canh tác và gắn bó lâu dài với cây vải”.

Trưởng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực

Không chỉ riêng xã Dang Kang, tại xã Hòa Thành, nhiều hộ dân cũng chung tình cảnh mất mùa. Hầu hết, các vườn vải ở đây đều không có quả khiến người trồng thất thu.

Đơn cử như gia đình ông Hoàng Văn Vinh (thôn 1, xã Hòa Thành) có 1 ha trồng vải u hồng, với gần 300 gốc. Năm trước, trên diện tích này, ông Vinh thu được hơn 2 tấn vải. Năm nay, gia đình ông vẫn áp dụng theo đúng quy trình chăm bón, khoanh cây, siết nước để thúc cây ra hoa như mọi năm, nhưng ảnh hưởng của thời tiết khiến vải không ra hoa, đậu quả được.

Vì vườn vải không có quả nên thời điểm này, ông Vinh đã tiến hành cắt cành, tạo tán (thông thường là vào tháng 5, sau khi thu hoạch xong) giúp cây vải sớm phục hồi, tạo đà tiếp sức cho vụ mùa sau.

Vườn vải của gia đình ông Hoàng Văn Vinh (thôn 1, xã Hòa Thành) năm nay mất mùa.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Bông, toàn huyện hiện có khoảng 237 ha vải (trong đó diện tích cho thu hoạch là 105 ha), được trồng chủ yếu tại các xã Dang Kang, Hòa Sơn và Hòa Thành. Đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây vải phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Ngoài ra, cây vải thiều trồng tại huyện có ưu thế chín sớm (sớm khoảng hơn một tháng so với các tỉnh miền Bắc) nên được các thương lái thu mua hết với giá cao từ 30.000 - 50.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm). Chính vì vậy, những năm gần đây, cây vải được xem là cây trồng mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng vải sụt giảm mạnh, nhưng Phòng NN-PTNT khuyến cáo bà con không nên lơ là, bỏ bê vườn cây mà cần tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc, tưới dưỡng giúp cây vải sinh trưởng, phát triển tốt nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng vụ mùa sau. Đồng thời, chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải theo hướng thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.