Nỗi lo giá điều liên tục giảm
Điều vốn là một trong những loại cây trồng chủ lực, giúp nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, những năm gần đây, loại cây trồng này liên tục mất mùa, rớt giá khiến người trồng không còn quan tâm đầu tư chăm sóc.
Người trồng không còn mặn mà
Huyện Krông Ana là một trong những địa phương có diện tích điều lớn của tỉnh, với 2.351 ha (năng suất bình quân đạt 1,4 tấn/ha), tập trung chủ yếu tại các xã Ea Bông, Dur Kmăl, Băng Adrênh, thị trấn Buôn Trấp…
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết thay đổi thất thường khiến năng suất điều sụt giảm (từ 50 – 60%), có năm gần như mất trắng. Trong khi đó, giá bán lại rớt xuống thấp, chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg (có thời điểm 17.000 – 18.000 đồng/kg), nên sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng điều gần như không có lãi.
Bà H’Hiền Byă (buôn Tuôr, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) phơi hạt điều sau khi thu hoạch. |
Gia đình anh Hoàng Phó Dương (thôn 10/3, xã Ea Bông) có 4 ha điều trồng xen cà phê từ năm 2003. Năm 2018 được xem là thời kỳ “hoàng kim” của cây điều, nhờ năng suất và giá bán đều cao (từ 36.000 - 42.000 đồng/kg) đã giúp gia đình anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Thế nhưng sau thời điểm này, điều bắt đầu rơi vào cảnh "mất mùa – rớt giá”, khiến gia đình anh rất lo lắng. Anh Dương than thở: “Năm ngoái, gia đình tôi gần như mất trắng (sản lượng điều giảm từ 8 tấn xuống còn 6 tạ), còn năm nay ước tính thu được 4 tấn thì giá bán lại tiếp tục giảm. Đầu vụ nhưng điều chỉ bán được với giá 23.000 đồng/kg thì vào chính vụ giá sẽ còn giảm nữa. Với mức giá này, gia đình tôi hầu như không có lãi”.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Khuê (thôn 10/3, xã Ea Bông) chuyên canh 6 ha điều từ năm 2000. Những năm gần đây, thời tiết bất thường khiến cây điều gặp nhiều sâu bệnh hại, hoa khô, mất mùa. Năng suất cây điều 4 năm trở lại đây giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 so với các vụ trước đó. Năm nay, mới thu bói được 2 - 3 tạ hạt điều, và gia đình anh chỉ bán được với giá 20.500 đồng/kg. Anh Khuê cho hay: “Dự kiến, sản lượng vụ điều năm nay của gia đình tôi chỉ khoảng 4 – 5 tấn, nếu giá tiếp tục giảm thì e là sẽ bị thua lỗ…”.
Không chỉ riêng huyện Krông Ana, khoảng 700 ha điều tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) liên tiếp nhiều năm thất thu cũng đã khiến người dân còn không mặn mà đầu tư chăm sóc. Gia đình bà H’Hiền Byă (buôn Tuôr) có 5 sào điều hơn 20 năm tuổi. Từ sau đại dịch COVID-19, sản lượng cùng với giá liên tục giảm khiến bà chán nản, không màng đến việc chăm sóc vườn cây. Theo bà H’Hiền, thời tiết bất lợi, thường có mưa trái mùa khiến điều bị khô hoa, gây rụng, thối quả dẫn đến mất mùa. Đây là loại cây trồng mang lại nguồn thu chính cho gia đình bà, nhưng nếu đầu tư chi phí chăm sóc mà giá cả giảm thì vẫn sẽ thua lỗ. Do đó, bà bỏ bê vườn điều khiến sản lượng giảm dần qua từng năm, ước tính năm nay gia đình bà chỉ thu được 3 tạ.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng
Nhu cầu thu mua, chế biến của nhiều doanh nghiệp (DN) đang tăng cao nhưng giá điều thô ở các địa phương lại giảm. Lý giải về điều này, theo nhận định của Sở Công Thương, trong những năm gần đây, sản lượng điều của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng liên tục giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung hạt điều thô phục vụ cho việc chế biến (chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến). Để phục vụ nhu cầu sản xuất, các DN phải tăng nhập khẩu hạt điều nguyên liệu từ các nước như Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria. Trong khi đó, giá hạt điều nhập khẩu thời gian qua giảm mạnh nên các DN đã tranh thủ mua số lượng lớn về làm nguyên liệu chế biến, kéo theo giá điều thô trong nước xuống thấp.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Ana kiểm tra tình hình mất mùa tại vườn điều thôn 10/3 (xã Ea Bông). |
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Thắng Bđáp cho biết, việc điều liên tục mất giá, trong khi một số mặt hàng nông sản khác như tiêu, cà phê lại đang tăng cao khiến nông dân bỏ bê hoặc có xu hướng bỏ cây điều chuyển sang cây trồng khác để có thu nhập tốt hơn. Từ năm 2022, nhiều hộ trồng điều trên địa bàn huyện đã bắt đầu chặt bỏ vườn điều để trồng cây ăn trái như nhãn hương chi, vải u hồng… Điều này khiến sản lượng điều có nguy cơ sụt giảm. Địa phương đã có kiến nghị đến các công ty chế biến cần bảo đảm về giá thu mua, có chính sách liên kết phù hợp để người dân yên tâm sản xuất, duy trì diện tích trồng, đảm bảo nguồn cung ổn định. Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên ồ ạt phá bỏ mà duy trì trồng xen canh điều trong các vườn cà phê, cây ăn trái để hạn chế rủi ro.
Lo ngại trước tình trạng người dân không mặn mà với cây điều cùng với việc phần lớn diện tích đều đã già cỗi, bị sâu bệnh khiến nguồn cung mặt hàng này sụt giảm, chính quyền xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát triển bền vững loại cây trồng chủ lực này. Bà Võ Lê Quỳnh Như, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hòa Phú chia sẻ, địa phương đã vận động, khuyến cáo người dân cải tạo vườn điều bằng các loại giống có khả năng kháng bệnh tốt, giảm sự tác động của thời tiết nhằm ổn định năng suất và chất lượng. Trong năm 2024, UBND xã Hòa Phú sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng TP. Buôn Ma Thuột tổ chức các đợt tập huấn về đầu tư thâm canh cây điều cho người dân, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ bà con triển khai sản xuất theo hướng VietGAP và tiến đến xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn.
Năm 2023, toàn tỉnh có 26.172 ha điều (giảm 1.602 ha so với năm 2022), tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Ana, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar… Sản lượng ước đạt gần 35.600 tấn. |
Tuyết Mai - Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc