Multimedia Đọc Báo in

Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kiến nghị đưa Cảng hàng không Buôn Ma Thuột vào quy hoạch cảng hàng không quốc tế

11:36, 13/04/2024

Trong khuôn khổ chương trình làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị kiến nghị với Đoàn xem xét, có ý kiến về việc đưa Cảng hàng không Buôn Ma Thuột vào quy hoạch cảng hàng không quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của Tây Nguyên. Tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Trung ương và địa phương ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Trong đó, ngoài các tuyến giao thông đường bộ đối nội, đối ngoại, sẽ ưu tiên phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Tuy nhiên, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/6/2023 tại Quyết định số 648/QĐ-UBND thì Cảng hàng không Buôn Ma Thuột lại không có trong hệ thống 14 cảng hàng không quốc tế của cả nước giai đoạn nêu trên.

Hành khách làm thủ tục tại Nhà ga Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
Hành khách làm thủ tục tại Nhà ga Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.

UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định việc nâng cấp Cảng hàng không nội địa thành cảng hàng không quốc tế sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Lắk phát triển và TP.Buôn Ma Thuột thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo định hướng Bộ Chính trị đã đề ra.

Do đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là rất cấp thiết.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.