Trợ lực cho người nghèo phát triển chăn nuôi
Xã Ea Sar (huyện Ea Kar) có trên 5.400 ha đất sản xuất, 95% người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, toàn xã chỉ có một công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới cho khoảng 100 ha, còn lại chủ yếu phụ thuộc vào nước từ các sông, suối, hồ, ao…
Vì vậy, sau khi rà soát điều kiện thực tế của địa phương để triển khai Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 3) về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), UBND xã đã quyết định tập trung hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, tiến tới xây dựng xã an toàn dịch bệnh đối với gia súc.
Gia đình chị Phạm Thị Lương ở thôn 5, xã Ea Sar được hỗ trợ bò phát triển chăn nuôi. |
Huyện Ea Kar có 6 xã vùng III và 6 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng các chính sách, dự án hỗ trợ của Chương trình 1719. Trong ba năm 2021 - 2023, huyện Ea Kar được giao tổng số kinh phí để thực hiện Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trên 12,9 tỷ đồng với 369 hộ thụ hưởng. Năm 2024, nguồn kinh phí được phân bổ trên 14,68 tỷ đồng. |
Gia đình chị Phạm Thị Lương là một trong 14 hộ của thôn 5, xã Ea Sar được hỗ trợ một con bò trị giá 20 triệu đồng vào tháng 10/2023.
Không chỉ được hỗ trợ bò giống, gia đình chị còn được hướng dẫn cách làm chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh trên gia súc.
Sau hai năm kết thúc dự án, gia đình chị sẽ nộp lại 5% trong tổng số tiền 20 triệu đồng đã được hỗ trợ để xoay vòng giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.
Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết: Để triển khai hiệu quả Tiểu dự án 2, xã đã chỉ đạo các thôn tổ chức họp, thảo luận, đưa ra ý kiến về việc lựa chọn phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế.
Mỗi nhóm được thành lập khoảng 10 - 14 hộ, trong đó có một hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và có vai trò hỗ trợ, định hướng, truyền đạt kinh nghiệm.
Các hộ trong nhóm tự bầu ra trưởng, phó nhóm, có trách nhiệm xây dựng đề án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với sự đồng hành của cán bộ phụ trách nông nghiệp xã.
Quyền làm chủ của người dân được phát huy tối đa, đã tạo sự thống nhất, đồng thuận cao, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Mô hình chăn chăn nuôi bò của gia đình ông Ngô Đức Thuận ở thôn 5, xã Ea Sar được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình 1719. |
Từ nguồn vốn của Chương trình 1719 và giảm nghèo bền vững, năm 2023, xã Ea Sar có tổng số 106 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Năm 2024, nguồn kinh phí tiếp tục được phân bổ cho xã trên 2,1 tỷ đồng, xã đang tiếp tục triển khai thực hiện cho người dân bảo đảm đúng đối tượng, tiến độ.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc