Sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu: Giải pháp nào căn cơ? (Kỳ 2)
Kỳ 2: Yếu và thiếu các công trình hạ tầng
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều loại hình thiên tai cực đoan, nhất là nắng nóng gây hạn hán, thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên, năng lực ứng phó của các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn yếu và thiếu so với nhu cầu thực tế.
Các công trình thủy lợi "gồng mình" gánh hạn
Diện tích đất sản xuất của Đắk Lắk đứng đầu cả nước, tuy nhiên do đặc thù của khí hậu (6 tháng mùa khô và 6 tháng mùa mưa) khiến sản xuất nông nghiệp luôn bị tác động nặng nề do thiên tai. Đơn cử, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2022 khoảng 242,9 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 172,5 tỷ đồng.
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), do đặc thù diện tích cây công nghiệp dài ngày của tỉnh rất lớn (gần 368.000 ha) nên việc chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước vào những năm nắng nóng kéo dài gặp nhiều khó khăn. Hệ thống công trình thủy lợi hiện có chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới cho diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh, nhất là vào thời kỳ cuối vụ, khi các nguồn nước đã cạn kiệt. Mặt khác, kinh phí phục vụ chống hạn và khắc phục hậu quả thiên tai còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến công tác chống hạn của các địa phương.
Lòng hồ Ea Súp hạ (huyện Ea Súp) bị những mảng cỏ dày che gần kín mặt hồ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tích nước chống hạn cũng như làm tắc dòng chảy khi xả lũ vào mùa mưa nhưng không có nguồn kinh phí để xử lý. |
Toàn tỉnh hiện có 858 công trình thủy lợi (619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm), tuy nhiên, nhiều công trình thủy lợi hư hỏng xuống cấp, không đảm bảo năng lực thiết kế. Hiện nay, các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh mới đảm bảo tưới được khoảng 23% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc triển khai các giải pháp ứng phó với thiên tai, nhất là hạn hán còn gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như huyện Ea Súp, hiện có 7 công trình hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý. Trong đó có 5 công trình nằm ở khu vực biên giới, diện tích mặt nước khá rộng nhưng bị bồi lắng nhiều nên năm nào cũng hết nước. Đặc biệt như hồ Ya Chlơi (xã Ia Jlơi), dung tích khoảng 1,6 triệu m3 nước, hiện bị bồi lắng khá nặng từ 30 – 40% nên chỉ tưới được 100 ha lúa nước. Vì vậy, công ty phối hợp với địa phương phải đẩy thời vụ sản xuất lên sớm hơn 15 – 20 ngày so với chính vụ để vừa kết thúc vụ sản xuất là hồ cũng vừa cạn nước.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị quản lý 362 công trình thủy lợi. Để ứng phó với tình hình hạn hán, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương cắt giảm diện tích tại những khu vực không đảm bảo nước tưới. Như năm 2024, đầu vụ đông xuân, công ty dự báo 63 công trình sẽ bị hạn và xây dựng các biện pháp chống hạn với kinh phí 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình nắng nóng vừa qua cực kỳ gay gắt khiến nguồn nước phục vụ chống hạn thiếu nghiêm trọng. Do đó, Sở NN-PTNT cần có giải pháp, phương án chỉ đạo để chủ động trong công tác chống hạn hán hiệu quả ở những năm tiếp theo.
Thiếu kinh phí để đầu tư
Biến đổi khí hậu đang làm cho các hiện tượng khí hậu và thời tiết ở Tây Nguyên diễn biến ngày càng phức tạp, những hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan gia tăng về mức độ tác động, quy mô ảnh hưởng và tần suất xuất hiện. Đặc biệt, mưa lũ diễn biến khá phức tạp dẫn đến hư hỏng các công trình thủy lợi; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ suối ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở, đất sản xuất của người dân.
Hệ thống kênh chính Tây của hồ Ea Súp thượng (huyện Ea Súp) bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống thiên tai bảo vệ sản xuất. |
Qua rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, có một số khu vực sạt lở bờ sông, bờ suối đặc biệt nguy hiểm nhưng chưa được bố trí vốn để xử lý, gồm 9 danh mục, tổng kinh phí đề xuất 588 tỷ đồng. Chẳng hạn như: sạt lở bờ sông Krông Bông đoạn cầu treo buôn M’Nghi (khu vực xã Yang Mao, huyện Krông Bông); sạt lở bờ sông Krông Na đoạn từ đập Bàu Trẹt, thôn Hòa Bình 3 đến buôn Mliêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk)... Trong năm 2024, qua rà soát của Sở NN-PTNT, có 115 đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, tiềm ẩn và có nguy cơ mất an toàn; tổng kinh phí dự trù đầu tư nâng cấp, sửa chữa gần 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã đề ra còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai.
Ông Mai Trọng Dũng cho biết, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk trên 55,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước trong đợt nắng nóng vừa qua nhằm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân vùng ảnh hưởng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi phục vụ tưới và chống hạn.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu đến năm 2030 gồm: giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập được nâng cao… |
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Giải pháp nào để thích ứng?
Minh Ngọc Thúy
Ý kiến bạn đọc