Multimedia Đọc Báo in

Xã Hòa Sơn: Điểm sáng trong công tác giảm nghèo

08:31, 13/06/2024

Nhờ xác định rõ những thiếu hụt, hạn chế, khó khăn của hộ nghèo, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đã triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp theo hướng tiếp cận đa chiều, trở thành điểm sáng của huyện trong công tác giảm nghèo bền vững.

Ưu tiên nguồn lực phát triển sinh kế

Tận dụng đất trống để trồng cỏ nuôi bò sinh sản, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Hòa Sơn đã tìm ra hướng đi đúng để vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Đoàn Ngọc Sự (ở thôn 7) do thiếu đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn định, lại đông con nên dù chăm chỉ làm lụng, cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau.

Năm 2021, anh Sự được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Nhờ khai khác triệt để các khoảnh đất trống trong vườn, rẫy để trồng cỏ nên nguồn thức ăn xanh cho bò luôn bảo đảm.

Bên cạnh đó, anh Sự còn được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn tỉ mỉ quy trình nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh, đến nay đàn bò của gia đình đã phát triển được 6 con.

Anh Sự vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi đã thành thạo kỹ thuật chăn nuôi bò, hiệu quả kinh tế theo đó cũng tăng lên, với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình đã cải thiện, các con được đầu tư ăn học”.

Cán bộ các tổ chức đoàn thể của xã Hòa Sơn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò với anh Đoàn Ngọc Sự (bìa phải).

Tương tự, gia đình chị H’Thu Liêng (ở buôn Ja) từng là hộ nghèo của xã Hòa Sơn. Đất sản xuất ít lại thiếu vốn đầu tư nên 3 sào cà phê của gia đình ngày càng già cỗi, năng suất thấp. Trong lúc đang loay hoay tìm kế sinh nhai, năm 2019 chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi bò và tái canh cà phê. Từ nguồn vốn vay này, gia đình chị tập trung chăm sóc vườn cây, làm chuồng trại nuôi bò.

 

Việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn và khơi dậy ý thức vươn lên của hộ nghèo đã giúp đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

 
Ông Hồ Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông)

Chị H’Thu cho hay: “Gia đình tôi đã xuất bán 6 con bò để trả nợ, trong chuồng đang còn 4 con bò mẹ. Vườn cà phê sau khi cải tạo thì năng suất, sản lượng tăng đáng kể. Với thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng/năm, gia đình tôi đã thoát nghèo. Căn nhà sập xệ trước đây cũng được xây dựng mới khang trang; con cái yên tâm học tập".

Lồng ghép linh hoạt, đầu tư trọng điểm

Những năm qua, kết quả giảm nghèo của xã Hòa Sơn luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm 2023, xã chỉ còn 138 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,84% (giảm 2,42% so với năm 2022); hộ cận nghèo giảm 4,8% so với năm 2022, hiện còn 232 hộ, chiếm 9,83%.

Có được kết quả này, bên cạnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo, xã đã khai thác thế mạnh địa phương, lựa chọn cây, con giống phù hợp giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã giới thiệu hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ hơn 56,7 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, xã còn mở các lớp học nghề chăn nuôi trâu, bò, tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo xã với hộ nghèo, cận nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như giải đáp thắc mắc cho người dân.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, chị H’Thu Liêng ở buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) đã thoát nghèo, xây được nhà khang trang.

Ông Hồ Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã cho biết, vừa tiếp sức, vừa khơi dậy ý chí để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới là cách làm hiệu quả giúp địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, nhờ thay đổi phương thức hỗ trợ, tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả, khắc phục đáng kể tư tưởng "trông chờ, ỷ lại" vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Hộ nghèo nhận vốn, giống cây trồng, vật nuôi có trách nhiệm, mạnh dạn và quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, xã Hòa Sơn tiếp tục rà soát, xác định chính xác nguyên nhân nghèo, cận nghèo của từng hộ để phân loại, đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biểu dương, khen thưởng các cá nhân là điển hình tiên tiến, vươn lên thoát nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đẩy mạnh xuất khẩu lao động...

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc