Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm hoàn thiện Đề án đầu tư tín dụng chính sách tại Đắk Lắk

17:36, 15/07/2024

Chiều 15/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Đắk Lắk đã tổ chức phiên họp đánh giá kết quả hoạt động trong quý II và triển khai nhiệm vụ quý III năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì phiên họp.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 33.475 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tin dụng CSXH, với tổng số tiền cho vay hơn 1.589 tỷ đồng (tăng hơn 495 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).

Tính đến ngày 30/6, tổng dư nợ tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đạt gần 7.903 tỷ đồng (tăng hơn 547 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,44%), với 169.379 khách hàng còn dư nợ.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 8,2 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,1%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là duy trì dưới 0,2%). So với cuối năm 2023, có 7 phòng giao dịch cấp huyện có nợ quá hạn giảm (Lắk, Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, M’Drắk, Krông Ana) và 2 phòng giao dịch không có nợ quá hạn (Buôn Hồ và Krông Bông).

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện tốt nội dung ủy thác, giải ngân nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng chính sách, với tổng dư nợ hiện nay trên 7.880 tỷ đồng (tăng gần 546 tỷ đồng so với cuối năm 2023).

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk Thượng Văn Điệp thông tin về hoạt động 6 tháng đầu năm 2024.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk Thượng Văn Điệp thông tin về hoạt động tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm 2024.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung: khó khăn trong việc huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân để tạo thêm nguồn vốn cho vay; công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT và hội, đoàn thể các cấp đạt thấp; việc xây dựng Đề án đầu tư tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2024 - 2025 và 2026 - 2030 (gọi tắt là Đề án đầu tư tín dụng chính sách).

Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu kết luận tại phiên họp.
Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu kết luận tại phiên họp.

Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đánh giá cao kết quả hoạt động của Ngân hàng CSXH trong 6 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt là việc tham mưu tổ chức thành công Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH cũng đã thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp lan tỏa tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực; hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp đã phát huy hiệu quả giúp chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao…

Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị thời gian tới, các thành viên cần tích cực kiểm tra, giám sát tại cơ sở để phấn đấu đến ngày 30/9 hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2024.

Đồng thời, đề nghị Sở Tài chính tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện Đề án đầu tư tín dụng chính sách để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm bổ sung vốn vay theo quy định và Chỉ thị số 39-CT/TU, ngày 30/06/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.