Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk

16:01, 02/07/2024

Sáng 2/7, Sở NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai ngành hàng sầu riêng vụ năm 2024.

Tham dự hội nghị đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT); lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã (HXT) sản xuất và kinh doanh xuất khẩu ngành hàng sầu riêng.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phát biểu tại hội nghị.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội nghị.

Đắk Lắk hiện có 32.785 ha sầu riêng, sản lượng đạt 281.350 tấn. Toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng (tổng diện tích 2.521 ha) đã được phía Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Về xây dựng nhãn hiệu sầu riêng, Đắk Lắk đã có hai huyện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và “Sầu riêng Cư M’gar”; có 2 huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’leo.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội nghị.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội nghị.

Theo nhận định của Sở NN-PTNT, việc tăng trưởng "nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường. Ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk còn yếu về liên kết vùng trồng, tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sầu riêng; vùng trồng sầu riêng còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm...

Do đó, Sở đề nghị Bộ NN-PTNT cần hỗ trợ xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm. Đồng thời, đàm phán với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt mã số vùng trồng đối với các hồ sơ đã thiết lập; hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định và điều chỉnh lại quy mô các vùng trồng tập trung đảm bảo phù hợp với phê duyệt của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2025 - 2030...

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề về bảo đảm chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu từ các khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói, bảo quản; quy trình, giải pháp đồng bộ để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Đối với công tác cấp và quản lý mã vùng trồng, mã đóng gói, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số HTX, tổ hợp tác để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng.

Các vùng trồng sầu riêng của Đắk Lắk bắt đầu bước vào thu hoạch.
Các vùng trồng sầu riêng của Đắk Lắk bắt đầu bước vào thu hoạch.

Đặc biệt, đối với những cảnh báo từ phía Trung Quốc về một số lô hàng sầu riêng Việt Nam vượt dư lượng chất cadimi, các địa phương trồng sầu riêng mong muốn cơ quan chuyên môn nhanh chóng triển khai test thử các mẫu trước khi vào thu hoạch chính vụ nhằm bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng vụ 2024.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc