Nghị quyết 05 “khơi nguồn” cho nông nghiệp Ea H’leo phát triển
Ngày 16/3/2021, Huyện ủy Ea H’leo ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU (Nghị quyết 05) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới hình thức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đây được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, xây dựng huyện Ea H’leo trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc, đáp ứng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ động thích ứng trong sản xuất
Năm 2018, gia đình ông Vũ Đình Sơn (thôn Ea Yú, xã Ea Sol) đã mạnh dạn phá 22 ha cao su để xuống giống 3.000 cây mắc ca. Sau 3 năm, vườn mắc ca cho thu bói với chất lượng quả to đều, hạt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Ông Sơn nhận thấy, cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, sản lượng quả tăng đều hằng năm. Từ năm 2022, vườn mắc ca cho thu hoạch ổn định trên 35 tấn hạt khô/năm, giá bán từ 160.000 - 300.000 đồng/kg thành phẩm đã mang về lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng. Nhiều hộ dân trong xã cũng được ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cung ứng giống, mở rộng diện tích. Được sự hướng dẫn của UBND xã Ea Sol, tháng 4/2023, ông Sơn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Mắc ca Sơn Nụ với 30 hộ thành viên, diện tích 100 ha.
Ông Ksơr Y Grư, Chủ tịch UBND xã Ea Sol cho biết, để người dân yên tâm phát triển cây mắc ca, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân, hình thành vùng chuyên canh tập trung gắn kết lợi ích từ khâu trồng, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, UBND xã Ea Sol đang phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện lập hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP cho mô hình sản xuất của gia đình ông Vũ Đình Sơn với tên thương hiệu “Mắc-ca Sơn Nụ Ea Sol”.
Anh Nguyễn Văn Dương (thôn 5A, xã Ea Hiao) chăm sóc vườn cây. |
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ea H’leo cũng thay đổi thói quen canh tác sang hướng hữu cơ, an toàn sinh học, cho lợi nhuận cao, góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Ngành nông nghiệp huyện Ea H’leo trong những năm qua luôn duy trì đà tăng trưởng trên 5%; giá trị sản xuất 145 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm (cao gấp 3 lần so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm hình quân 3%... |
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Dương (thôn 5A, xã Ea Hiao) canh tác 3 ha cà phê theo lối “lạm dụng” phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khiến đất nhanh thoái hóa, năng suất cây trồng kém; nông sản bán ra bị tư thương ép giá. Năm 2021, anh đăng ký tham gia dự án Cung ứng dịch vụ cho phát triển cà phê bền vững (do Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp triển khai). Được hướng dẫn quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng phân bón vi sinh, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cây dần phục hồi, cho năng suất cao (tăng bình quân khoảng 25%/năm so với trước).
Anh Dương chia sẻ, trước đây, anh phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng/năm để mua phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh. Sau khi chuyển sang sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, anh đã thay thế hoàn toàn phân bón hóa học bằng phân vi sinh, đạm cá từ phụ phẩm nông nghiệp, vỏ cà phê. Không chỉ tiết kiệm được 30% chi phí vật tư đầu vào mà còn tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng, không tồn dư hóa chất… Khi gia đình anh sản xuất được cà phê sạch, chất lượng cao, Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex chi nhánh tại Buôn Ma Thuột đã đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, có trợ giá 10.000 - 15.000 đồng/kg nhân so với giá thị trường, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh.
“Kim chỉ nam” cho ngành nông nghiệp địa phương
Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Nguyễn Văn Hà cho hay, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 05 đề ra, huyện Ea H’leo đã tập trung vào nhiều giải pháp sát thực tiễn. Trong đó, căn cơ nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Căn cứ tiềm năng, lợi thế của từng vùng, ngành chức năng huyện cũng nghiên cứu chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi và tập huấn chuyển giao ứng dụng công nghệ mới phù hợp, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ đó tạo ra những nông sản đặc thù có giá trị cao, lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Mô hình xen canh cây trồng hiệu quả của một người dân xã Dliê Yang (huyện Ea H'leo). |
Bên cạnh đó, huyện cũng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... phục vụ phát triển nông nghiệp. Ưu tiên giải ngân vốn ngân sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 71 hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp với 1.249 thành viên (đạt 100% kết hoạch Nghị quyết) và 44 trang trại trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng được 11 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao; đề nghị cấp mã vùng trồng cho 32 vườn sầu riêng, chuối, xoài (hiện đã được cấp 11 mã vùng trồng, tổng diện tích 384 ha)… Từ năm 2021 đến nay, huyện Ea H’leo đã hỗ trợ xây dựng 16 mô hình trồng cà phê, mắc ca, dưa lưới, hồ tiêu… ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 3.113 ha (đạt 100% kế hoạch Nghị quyết 05).
Có thể khẳng định, những chủ trương đúng, trúng của Nghị quyết 05 và cách làm phù hợp của cấp ủy, chính quyền huyện Ea H’leo, các quyết sách trong lĩnh vực nông nghiệp đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc