Multimedia Đọc Báo in

“Cầu nối” phát triển kinh tế cho phụ nữ

08:34, 27/08/2024

Thời gian qua, Hội LHPN huyện Krông Ana đã phát huy vai trò “cầu nối” đưa vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đến hội viên kịp thời, qua đó giúp nhiều chị em có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế.

Theo bà Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana, đến tháng 8/2024, có 2.982 hộ hội viên vay vốn từ Ngân hàng CSXH ủy thác qua hội, với tổng dư nợ hơn 153 tỷ đồng.

Bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, động viên, nhắc nhở hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả gốc, lãi đúng quy định, hội phụ nữ cơ sở và ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn còn tích cực tham gia cùng chính quyền xác định đối tượng hộ nghèo, phụ nữ nghèo đủ điều kiện vay vốn và bình xét đối tượng vay bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch.

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, các cấp hội cơ sở đã phối hợp với ngành chuyên môn mở lớp tập huấn, tổ chức nhiều hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất điển hình. Nhờ vậy, nhiều chị em đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng học được vào thực tiễn sản xuất, thực hiện các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Lụa (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana) phát triển mô hình nuôi dê từ vốn vay tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Lụa, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na) là một trong số đó. Năm 2018, thông qua Hội LHPN xã, chị Lụa được vay 50 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH.

Từ nguồn vốn vay này, chị đầu tư tái canh cà phê trồng xen tiêu, cây ăn quả và chăn nuôi dê. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, chỉ sau bốn năm, vườn cà phê trồng xen tiêu của gia đình chị cho năng suất, chất lượng tốt và chị phát triển được đàn dê trên 10 con, trong đó có 7 con dê sinh sản.

Từ mô hình kinh tế này, chị có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng và trả được hết khoản vay. Năm 2022, được tham gia lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật do Hội LHPN xã Ea Na phối hợp tổ chức, chị mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, đầu tư hệ thống nước tưới tự động để trồng nha đam. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn nha đam của chị sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi tháng xuất bán hơn 4 tấn bẹ và 10 nghìn cây giống.

Chị bày tỏ: “Nhờ hội phụ nữ hỗ trợ và tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách mà tôi đã mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay, tôi có thu nhập ổn định từ 10 - 12 triệu đồng/tháng từ duy trì mô hình kinh tế tổng hợp này”. 

Cán bộ Hội LHPN huyện Krông Ana kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay tại địa phương.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tám, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tân Lập (xã Ea Na) cũng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình từ vốn vay tín dụng chính sách.

Theo chị Tám, trước đây gia đình thuộc diện cận nghèo, chỉ dựa vào 4 sào cà phê già cỗi không đủ nuôi ba con ăn học nên chị phải tranh thủ bươn chải làm thuê. Sau khi tham gia sinh hoạt tại Hội Phụ nữ thôn, chị được hỗ trợ vay 30 triệu đồng vốn tín dụng chính sách theo Chương trình cận nghèo.

Ngoài vay vốn, chị còn được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhờ chăm chỉ, cần cù cập nhật kiến thức, cùng với số vốn vay được, chị đầu tư tái canh vườn cà phê già cỗi theo kỹ thuật mới đa thân thả đọt.

Theo đó, chị trồng theo phương pháp không thực hiện bấm ngọn mà để cà phê phát triển tự nhiên. Từ đó, mật độ cành, tán lá cà phê tăng cao, tối ưu hóa khả năng quang hợp, tạo điều kiện cho cây ra nhiều hoa và đậu quả. Nhờ vậy, năng suất vườn cà phê của gia đình chị tăng từ 30 - 50% so với phương pháp trồng truyền thống và tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ loại bỏ công đoạn bấm ngọn, tỉa cành định kỳ.

Đến nay, vườn cà phê của gia đình mang lại thu nhập ổn định, giúp chị vươn lên thoát khỏi diện cận nghèo và trả được khoản vay trước kia. Để tiếp tục phát triển kinh tế cho gia đình, chị đã mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng theo Chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê.

Bà Huỳnh Thị Lữ Ái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana cho biết, chất lượng hoạt động nhận ủy thác của Hội LHPN huyện được nâng cao qua từng năm.

Những hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho phụ nữ và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Thời gian tới, để nguồn vốn vay ủy thác tiếp tục phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ giao các chỉ tiêu cụ thể đến từng hội, đoàn thể cấp xã về giảm nợ quá hạn, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn, giải ngân, thu nợ, số hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm… Đồng thời, tiếp tục rà soát lại các tổ tiết kiệm và vay vốn để có biện pháp khắc phục, kiện toàn, phấn đấu hằng tháng xếp loại tổ tốt đạt trên 98%; tập trung rà soát từng trường hợp để đôn đốc thu lãi tháng, lãi tồn đọng…

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana hiện quản lý 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, với tổng dư nợ hơn 459 tỷ đồng, cho 11.375 khách hàng, với 210 tổ tiết kiệm và vay vốn. Riêng Hội LHPN huyện đang quản lý 68 tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm hơn 34,5% tổng dư nợ.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.