Multimedia Đọc Báo in

Công nghệ tài chính: Xu hướng phát triển mới cho ngành tài chính - ngân hàng

05:31, 29/09/2024

Công nghệ tài chính (fintech) là một thuật ngữ được sử dụng cho những công ty áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ tài chính - ngân hàng không chỉ tập trung tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới mẻ, mà còn thay đổi cách thức chúng ta tiếp cận và sử dụng tài chính hằng ngày.

Fintech Việt Nam phát triển nhanh chóng

Theo thống kê từ Statista (nền tảng trực tuyến của Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu toàn cầu), tổng lượng đầu tư vào công nghệ tài chính trên toàn thế giới trong năm 2023 đã đạt mức 113,7 tỷ USD với hơn 4.500 thương vụ đầu tư được thực hiện thành công. Những hoạt động đầu tư vào công nghệ tài chính tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động mua bán - sáp nhập, vốn đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân. Cùng với lượng đầu tư khổng lồ đó là doanh thu hơn 79 tỷ USD từ các dịch vụ công nghệ tài chính cung cấp cho khoảng 4 tỷ người dùng, con số này còn được dự kiến tăng đến 120,3 tỷ USD vào năm 2025.

Những con số trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của thị trường công nghệ tài chính, biến lĩnh vực này trở thành một phần lĩnh vực tài chính, hứa hẹn góp phần thay đổi bộ mặt của ngành tài chính trên thế giới.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển của fintech toàn cầu khi những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực công nghệ tài chính. Theo thống kê từ Statista, số lượng các công ty fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn hai lần, từ khoảng 144 công ty vào cuối năm 2018 lên tới gần 300 công ty vào cuối năm 2023, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng chóng mặt.

Không chỉ các công ty khởi nghiệp fintech mới vào cuộc, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Công nghệ số được các ngân hàng ứng dụng để phát triển hạ tầng kinh doanh cũng như giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua dịch vụ internet banking và mobile banking. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã ứng dụng kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các nghiệp vụ nội bộ giúp đơn giản hóa quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian. Một số công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được các ngân hàng nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào hoạt động như công nghệ cloud computing, công nghệ sổ cái, công nghệ định danh khách hàng điện tử, công nghệ blockchain…

Zalopay được vinh danh tại hạng mục "Công ty fintech tiêu biểu 2024" tại lễ công bố "Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu - Vietnam Outstanding Banking Awards". Ảnh: Zalopay

Còn nhiều thách thức

 

Các công ty fintech được chia thành hai nhóm chính dựa vào đối tượng phục vụ và loại dịch vụ mà những công ty này cung cấp. Nhóm thứ nhất là các công ty fintech tập trung vào việc phục vụ, nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, giúp họ tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhóm thứ hai là những công ty chuyên cung cấp công nghệ và giải pháp cho các định chế tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác.

Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh chóng cùng với nhiều triển vọng, lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam vẫn còn gặp không ít thách thức và khó khăn. Khung pháp lý về fintech và công ty fintech tại Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn sơ khai, chưa thực sự đầy đủ và bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ cao.

Theo Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, Việt Nam chủ yếu vẫn đang thực hiện quan sát, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường phát triển hơn để đưa ra các phương pháp thích hợp cho việc quản lý lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam. Điều này đã gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực khi các quy định pháp lý cho lĩnh vực công nghệ tài chính nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật và còn nhiều thiếu sót.

Không chỉ hành lang pháp lý, hạ tầng cơ sở công nghệ của Việt Nam cũng là một hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ bảo mật.

Ngoài ra, Việt Nam còn gặp khó khăn trong bảo đảm nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong mô hình kinh doanh, bảo mật thông tin cá nhân của người dùng… Những điều này không chỉ ảnh hưởng đến người dùng mà còn ảnh hưởng đến cả các tổ chức tham gia vào lĩnh vực công nghệ tài chính.

Dù vậy, lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển nhanh chóng dưới sự quan tâm lớn của các công ty fintech và sự hỗ trợ tích cực cho đổi mới sáng tạo của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành liên quan. Với tốc độ phát triển nhanh chóng này, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

 Đặng Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.