Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao vai trò, vị thế của nông dân

08:23, 10/10/2024

Nhờ những cách làm hay, thiết thực, Hội Nông dân huyện Krông Ana đã từng bước nâng cao đời sống hội viên, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của nông dân.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Thắng Bdap cho biết, hiện nay, toàn huyện có 13.586 hội viên nông dân. Để đồng hành, hỗ trợ hội viên và xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở đăng ký nhận phần việc để cùng thực hiện.

Cụ thể, các cấp hội đăng ký nhận quản lý các tuyến đường nông thôn; xây dựng tổ hợp tác và tổ nghề nghiệp; nhận hỗ trợ 1 – 2 hội viên nông dân nghèo phát triển kinh tế; vận động hội viên sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ một phần cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo...

Bên cạnh đó, hội thường xuyên tổ chức cho hội viên tham quan chéo các đơn vị nông dân xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, hội viên nông dân làm việc tốt. Từ đó, góp phần đưa đời sống của hội viên dần đi lên, có nhiều đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Thành viên Tổ hợp tác lúa gạo an toàn (xã Ea Na) kiểm tra diện tích gieo trồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp hội trong huyện đã triển khai nâng cấp, sửa chữa, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhiều công trình phục vụ giao thông các loại, với kinh phí 135 triệu đồng và 53 ngày công, hiến 400 m2 đất. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tu sửa, nạo vét kênh mương, bảo đảm tưới chủ động cho diện tích cây trồng có nhu cầu nước tưới của địa phương. Thông qua mô hình tự quản của nông dân, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện đều khang trang và được dọn dẹp sạch sẽ, phát quang bụi rậm, trồng nhiều cây xanh.

Ông Vũ Trọng Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp cho biết, hiện nay thị trấn có 15 chi hội nông dân, mỗi chi hội nhận một tuyến đường để quản lý. Hằng tuần, hội viên nông dân đều chủ động thực hiện dọn vệ sinh, vào các ngày lễ lớn của đất nước thì tiến hành treo cờ Tổ quốc dọc các tuyến đường.

Xác định tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đến hội viên, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, ngành nghề. Tại địa phương hiện có 6 hợp tác xã, 23 tổ hợp tác do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn thành lập. Các mô hình này đều đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân.

Đơn cử như Tổ hợp tác lúa gạo an toàn (xã Ea Na). Trước đây khi chưa thành lập tổ hợp tác, người dân đa phần mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch trồng, gieo sạ, chọn giống… Năm 2019 tổ hợp tác được thành lập, có 22 thành viên tham gia, với diện tích gieo trồng 82 ha, do ông Bùi Văn Đoán (thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na) làm Tổ trưởng. Ban quản lý tổ hợp tác đã xây dựng kế hoạch gieo sạ đồng loạt, cùng trồng giống lúa chất lượng cao ST24 nên đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho tổ viên. Đặc biệt, hiện nay ông Đoán cùng các thành viên cốt cán trong tổ không chỉ tập trung bán lúa tươi mà đang hướng đến bán các sản phẩm gạo nhằm nâng cao thu nhập, xây dựng thương hiệu lúa gạo của xã Ea Na.

Tại xã Bình Hòa cũng đã xây dựng được một tổ hợp tác nông nghiệp hữu cơ về sản xuất cà phê, với 13 thành viên. Đây là nơi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tổ viên để cùng hướng đến xây dựng một vùng sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Qua đó không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo ra một vùng nguyên liệu an toàn, bền vững.

Để bảo đảm phát triển bền vững, các cấp hội nông dân tại huyện Krông Ana còn tăng cường hợp tác, liên kết doanh nghiệp đến đầu tư, thu mua các sản phẩm do nông dân địa phương làm ra. Đồng thời, đưa các sản phẩm của nông dân sản xuất đi xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ… nhằm tìm kiếm thị trường, hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ sản phẩm.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.