Multimedia Đọc Báo in

Nối lại đường bay Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng: Mở ra nhiều cơ hội

08:49, 31/10/2024

Theo thông báo từ Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, kể từ tối 29/10, hãng máy bay Vietnam Airlines sẽ khai thác trở lại đường bay Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột với tần suất 3 chuyến/tuần vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy, với các chuyến bay buổi tối khởi hành lúc 20 giờ 40 phút.

Một số đại lý vé máy bay khu vực Đà Nẵng cho biết, hiện tại các chuyến khởi hành từ đầu tháng 11/2024 giữa Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột đã “kín vé”, đa số vé đã bán ra ở mức cao. Điều này đồng nghĩa nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giữa hai thành phố được khởi động lại, với sự ngóng chờ “sốt ruột” của nhiều người, gồm cả các thương nhân, chủ doanh nghiệp đầu tư lẫn hành khách gia đình và du khách.

Đường bay Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột thật ra đã khai thác từ lâu, nhưng trong gần 1 năm qua bị gián đoạn khai thác. Không còn đường bay, nhiều người phải chuyển sang đường bộ với thời gian di chuyển lâu hơn và mệt mỏi hơn. Nhiều người vốn dĩ thờ ơ với việc lựa chọn đi lại giữa Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột chợt nhận ra tầm quan trọng của một tuyến bay thẳng giữa hai “thủ phủ” miền Trung và Tây Nguyên.

VietnamAirlines khai thác lại đường bay Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột từ ngày 29/10/2024.

Nhìn theo góc cạnh đầu tư kinh tế, một số nhà đầu tư cho rằng, lợi ích của đường bay Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột không đơn thuần là kết nối đi lại. Sức hút đầu tư lên Tây Nguyên qua thủ phủ Buôn Ma Thuột mới là câu chuyện chính nên bàn tới khi nhìn nhận đường bay thẳng từ miền Trung.

Anh Trần Minh H., một doanh nhân Hà Nội chia sẻ: “Tôi đang đầu tư dự án nhỏ ở Đà Nẵng, và khi đối sánh với Buôn Ma Thuột, thấy rất có tiềm năng khi nối kết lại. Đường sá đi lại giữa hai thành phố này đang cải thiện tốt hơn, giúp hàng hóa, nông sản đưa về Đà Nẵng tiện hơn, cho phép tôi tự tin vẫn đặt dự án ở Đà Nẵng mà an tâm đầu tư thêm ở Buôn Ma Thuột. Khi có thêm tuyến bay thẳng, việc tôi đi lại giữa hai thành phố cũng rất tốt, bảo đảm yêu cầu chi phí và chất lượng công việc cho tôi hơn”.

Nhìn nhận của anh Minh H. cũng đang là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư từ Đà Nẵng, miền Trung lên cao nguyên, nhất là trước diễn biến tích cực của giá nông sản vùng Tây Nguyên. Những chỉ số gia tăng với các mặt hàng sầu riêng, cà phê rõ ràng rất hấp dẫn những nhà đầu tư mới, muốn khai phá cơ hội cùng Buôn Ma Thuột. Thuận lợi hơn nữa, các quy định pháp luật mới về đất đai, kinh doanh bất động sản mới sẽ giúp thêm cơ hội khai thác quỹ đất canh tác, nông nghiệp ở cao nguyên, thu hút nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn vào đất đai và mùa màng. Anh Minh H. dẫn chứng, tính từ sân bay Buôn Ma Thuột tỏa ra bán kính 90 phút đi xe là phạm vi đầu tư đất canh tác, thương mại giá trị cả. Như thế, Cư M’gar, Buôn Hồ, Krông Pắc, Krông Ana, Ea Súp… đều sẽ là những trọng tâm thu hút đầu tư mới.

Một định hướng quan trọng nữa, là tầm nhìn khai thác du lịch, thương mại giữa Đà Nẵng – Đắk Lắk. Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, địa phương đang định hướng tăng cường các hoạt động du lịch, tổ chức tour tuyến hiệu quả, điểm đến an toàn và hấp dẫn, không chỉ với địa bàn quản lý mà còn mong vào các cơ hội kết nối chia sẻ. Xu hướng “du lịch đi tới” đang tiếp tục được các tỉnh, thành phố quan tâm, theo đó sẽ xây dựng những hệ thống tour đưa du khách trải nghiệm được nhiều hơn và theo hướng “không quay lại điểm cũ”.

Đơn cử từ Đà Nẵng du khách có thể trải nghiệm các không gian đô thị cổ, đô thị đồng bằng, đô thị biển…, và nếu thuận tiện bay thẳng lên Tây Nguyên qua cửa ngõ Buôn Ma Thuột, sẽ là một cảm hứng khác biệt, rất hấp dẫn. “Xuyên qua giữa biển và rừng, tận hưởng những giá trị văn hóa sâu sắc hơn, đời sống phong phú hơn”, chính là tiêu chí mà du lịch Đà Nẵng, miền Trung đang khao khát; và sử dụng đúng đường bay thẳng Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột, chính là một lợi thế!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​