Multimedia Đọc Báo in

"Ðổi đời" cho… xơ mướp

17:25, 05/10/2024

Từ xơ mướp - một thứ tưởng chừng bỏ đi, anh Nguyễn Phú Tùng (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) và các cộng sự đã biến thành những vật hữu dụng và còn mang… xuất khẩu!

Những vật dụng hữu ích từ xơ mướp

Đau đáu với vấn nạn rác thải nhựa, anh Nguyễn Phú Tùng nảy ra ý tưởng làm những sản phẩm bảo vệ môi trường và từng bước phát triển cộng đồng tiêu dùng xanh. Một số người bạn của anh cũng có chung suy nghĩ đó.

Anh Nguyễn Phú Tùng (bên phải) giới thiệu bức tranh vẽ trên thảm xơ mướp của Công ty Cổ phần Loofaa.

Suy đi tính lại, bàn bạc nhiều lần, anh Tùng và những người bạn của mình quyết định lấy xơ mướp làm nguyên liệu để tạo ra sản phẩm. Họ thành lập công ty và đặt luôn tên công ty là Loofaa (từ “loofah” trong tiếng Anh, nghĩa là “xơ mướp”). “Mục tiêu của chúng tôi là muốn góp một phần bé nhỏ của mình để bảo vệ môi trường và từng bước phát triển cộng đồng tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn góp phần tạo công ăn việc làm, giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập”, anh Tùng chia sẻ.

Sau khi ra đời, Loofaa âm thầm xây dựng vùng nguyên liệu và sáng tạo ra các sản phẩm. Đó là các sản phẩm phục vụ trong nhà bếp như tấm lót nồi, tấm lót li, miếng nhấc nồi, miếng rửa chén, cây rửa ly...; các dụng cụ trong nhà tắm như cây kỳ lưng, đai kỳ lưng, túi đựng xà phòng, bông tắm...

 
Một số sản phẩm của Loofaa.

Đặc biệt, anh Tùng và các cộng sự đã nghiên cứu tạo ra hàng loạt các sản phẩm khá độc đáo như mũ, túi xách, ví cầm tay, dép… từ xơ mướp. Ngoài ra, Loofaa còn cho ra đời những bức tranh được vẽ trên thảm xơ mướp. Không chỉ được bán ở trong nước, sản phẩm của Loofaa (đặc biệt là các sản phẩm cao cấp) đã bước ra thị trường thế giới. Hiện nay, sản phẩm của Loofaa đã được xuất khẩu sang Pháp, Hồng Kông và chào hàng ở nhiều nước như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Ý…

Theo anh Bùi Trung Khải, Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Cổ phần Loofaa, các sản phẩm của Loofaa chủ yếu sản xuất thủ công. Mướp khi thu hoạch sẽ được ngâm, rửa qua nước 3 lần để bóc ra lớp xơ sạch. Sau đó, xơ mướp được phơi khô và ép lại để làm nguyên liệu. Sau khi có nguyên liệu, công nhân sẽ tiến hành cắt, may theo các khuôn mẫu để cho ra sản phẩm hoàn thiện. Cũng theo anh Khải, tất cả mẫu mã sản phẩm của Loofaa đều do chính những người trong công ty tự mày mò, học hỏi để sáng tạo ra. Để có những sản phẩm đẹp, Loofaa tổ chức các cuộc thi thiết kế nhằm tìm ra những mẫu mã mới có giá trị thẩm mỹ cao.

 

Ngoài giá trị sử dụng, chúng tôi cũng rất quan tâm đến giá trị thẩm mỹ. Cho dù là sản phẩm có giá trị nhỏ, chúng tôi cũng chăm chút đến mẫu mã của nó, làm sao để đó không chỉ là một vật dụng đơn thuần mà còn có thể như một vật trang trí”.

 
Anh Bùi Trung Khải, Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Cổ phần Loofaa

“Các sản phẩm làm từ xơ mướp của Loofaa khá đa dạng. Đối với các sản phẩm gia dụng tôi thấy hữu ích, phù hợp với mọi gia đình. Đặc biệt, sản phẩm được làm từ nguyên liệu từ thiên nhiên, không có hoá chất nên rất thân thiện với môi trường. Gia đình tôi đã lựa chọn sử dụng và rất yên tâm. Các sản phẩm thời trang của Loofa cũng rất xinh xắn, đa dạng về mẫu mã, hình thức, phù hợp với nhiều lứa tuổi”, chị Nguyễn Thị Lan Hương (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ.

Nâng cao thu nhập cho nông dân

Để bảo đảm cho việc sản xuất, ngoài vùng nguyên liệu của công ty, Loofaa còn ký hợp đồng trồng mướp với nhiều nông dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Búk.

Anh Trần Văn Yên (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang ký hợp đồng trồng 2 ha mướp với Loofaa khoe: “Vụ vừa rồi, 2 ha mướp của tôi thu được khoảng 120.000 quả, bán cho Loofaa thu về được hơn 600 triệu đồng, lãi khoảng 400 triệu đồng”. Cũng theo anh Yên, trong hợp đồng với gia đình anh, Loofaa cam kết mua mướp với giá ổn định 5.000 đồng/quả. So với việc bán mướp non, đây là mức giá rất hấp dẫn đối với nông dân.

“Vụ đầu tiên mỗi héc-ta mướp đầu tư khoảng 100 triệu đồng nhưng từ vụ thứ hai trở đi thì mỗi héc-ta chỉ cần đầu tư 20 triệu đồng là đủ, vì không cần phải làm giàn nữa. Mỗi vụ mướp 6 tháng, như vậy mỗi năm tôi có thể làm được 2 vụ”, anh Yên phấn khởi.

Các hộ dân ký hợp đồng trồng mướp với Loofaa cũng đang có một nguồn thu nhập khá ổn định. Theo các hộ dân, mỗi héc-ta mướp thu hoạch được khoảng 60 - 80 nghìn quả/vụ. Với giá bán mà Loofaa cam kết, mỗi năm, một héc-ta mướp, nông dân có thể lãi gần 700 triệu đồng; trong khi đó, so với nhiều loại cây trồng khác, cây mướp lại dễ trồng, dễ chăm sóc.

Du khách nước ngoài thích thú với cửa hàng sản phẩm sản xuất từ xơ mướp của Loofaa.

Theo anh Nguyễn Phú Tùng, hiện nay Loofaa có khoảng 20 ha trồng mướp làm nguyên liệu, trong đó có khoảng 40% diện tích liên kết với nông dân. “Trong các hợp đồng với nông dân, chúng tôi đều cam kết thu mua mướp với giá ổn định 5.000 đồng/trái”, anh Tùng khẳng định.

Duy Hậu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.