Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế

08:35, 01/10/2024

Cùng với thực hiện các phong trào thi đua, những năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo động lực giúp hội viên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Bà Nguyễn Thị Thơ (buôn Kô Êmông A, xã Ea Bhốk) là một trong những hội viên tiêu biểu vượt qua khó khăn từ sự hỗ trợ của hội CCB. Bà Thơ cho hay, năm 2015, gia đình bà được Hội CCB huyện tặng một con bò giống sinh sản và đến nay đã bán được 6 con bê, thu về hơn 80 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ bán bê con, mỗi năm gia đình bà còn thu về hơn 10 triệu đồng từ việc bán phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hội Cựu chiến binh huyện Cư Kuin tặng bò, sổ tiết kiệm cho hội viên cựu chiến binh năm 2024.

Với sự chăm chỉ và tích lũy qua nhiều năm, vợ chồng bà đã mua thêm 5 sào đất để trồng cà phê, trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. “Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội CCB huyện trao tặng bò giống nên cuộc sống của gia đình tôi đã dần ổn định. Từ một hộ nghèo, cái ăn phải xoay xở từng bữa, giờ đã vươn lên thoát nghèo và có đủ điều kiện để lo cho con cái ăn học, cũng như có công việc ổn định”, bà Thơ bộc bạch.

Tương tự, gia đình ông Y Phôt Knul (buôn Hra Ea Tlă) thuộc diện hộ nghèo nhiều năm qua ở xã Dray Bhăng. Do thiếu đất sản xuất, lại đông con, vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn nên cuộc sống của gia đình thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Trước hoàn cảnh đó, vào năm 2018, Hội CCB huyện Cư Kuin đã trao tặng gia đình ông một con bò giống trị giá hơn 15 triệu đồng, trích từ nguồn Quỹ Nghĩa tình đồng đội nhằm hỗ trợ cải thiện đời sống cho gia đình.

Nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Hội CCB huyện, gia đình ông Y Phôt đã xây dựng chuồng trại vững chắc và tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để nuôi bò, giúp đàn vật nuôi phát triển mạnh khỏe. Sau hai năm, bò mẹ đã sinh con bê đầu tiên và gia đình ông giữ lại để tiếp tục tăng đàn. Hiện tại, gia đình ông đã có 6 con bò, trong đó 2 con đã được bán với giá gần 30 triệu đồng, mang lại nguồn thu đáng kể để cải thiện cuộc sống và đầu tư vào các hoạt động kinh tế khác.

“Nhờ có con bò giống được Hội CCB huyện hỗ trợ, hằng năm gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập từ việc bán bò con, giúp ổn định cuộc sống. Tôi hy vọng trong năm nay, gia đình mình sẽ thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương”, ông Y Phôt phấn khởi chia sẻ.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Cư Kuin đến thăm mô hình bò sinh sản của gia đình bà Nguyễn Thị Thơ (buôn Kô Êmông A, xã Ea Bhốk).

Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Cư Kuin Phạm Đình Trường, trong những năm qua, thực hiện nghị quyết của Đại hội đại biểu Hội CCB Việt Nam và Hội CCB tỉnh về việc kêu gọi hội viên CCB, cựu quân nhân tham gia đóng góp 25.000 đồng/người/năm để xây nhà, mua bò hoặc tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình hội viên nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội CCB huyện Cư Kuin đã đưa chương trình này vào nghị quyết lãnh đạo hằng năm. Chương trình được triển khai từ năm 2013 đến nay, hội viên Hội CCB, cựu quân nhân đã quyên góp được 780 triệu đồng để mua 40 con bò sinh sản; hỗ trợ xây, sửa chữa 4 căn nhà và tặng 6 sổ tiết kiệm cho các hội viên nghèo, cận nghèo trong huyện.

Toàn huyện Cư Kuin hiện có 2.914 hội viên CCB, trong đó có 26 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội CCB huyện đã vận động hội viên quyên góp để mua 3 con bò trị giá 52 triệu đồng và 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng tặng các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. “Những hoạt động này không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho các gia đình hội viên mà còn thể hiện tinh thần đồng chí, đồng đội trong việc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế. Qua đó, khẳng định hội viên CCB, cựu quân nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn giữ vững truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”, Chủ tịch Hội CCB huyện Cư Kuin Phạm Đình Trường chia sẻ.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.