Việc phố, việc làng: "Đất vàng" cũng hiến (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: “Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.
Với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, cũng như có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, trong đó có hạ tầng giao thông.
Tăng kết nối vùng
Tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có dân số và diện tích tự nhiên lớn của cả nước, đồng thời cũng là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Tây Nguyên. Tỉnh nằm trong Tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia, có điều kiện rất thuận lợi để kết nối không gian phát triển, tạo động lực thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương trong vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và một số trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột góp phần mở rộng không gian đô thị thành phố về phía Đông Nam. |
Trước đây, mạng lưới giao thông của tỉnh đi lại khó khăn, chỉ có một tuyến đường huyết mạch được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh là Quốc lộ 14, còn lại các tuyến khác có quy mô nhỏ, xuống cấp, hư hỏng nặng. Đó chính là rào cản lớn đối với một địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế lớn như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến. Do vậy, tỉnh xác định đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông là tiền đề vững chắc cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và là động lực giúp Đắk Lắk hiện thực hóa các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, trong các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, tỉnh đều quan tâm, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm phát triển mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Cụ thể, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã thông qua Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 2/11/2020 với 3 khâu đột phá, trong đó quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng “Kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng tâm để thúc đẩy sớm trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên”.
Tại Nghị quyết số 09 -NQ/TU ngày 24/12/2021 về phát triển mạng lưới giao thông đường bộ địa phương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mạng lưới giao thông đường bộ có vị trí nền tảng quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giữ vai trò chủ đạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trong đó, định hướng đến năm 2030 nâng số đường tỉnh lên khoảng 900 km, đường huyện lên 1.825 km, đường xã lên khoảng 3.580 km.
Để thực hiện các mục tiêu, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Kết quả, nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tăng tính kết nối liên vùng, nội vùng. Đáng chú ý, tuyến đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ với chiều dài hơn 26 km sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho đô thị Buôn Hồ cũng như đời sống nhân dân. Hay tuyến đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột) đưa vào sử dụng đã tạo thành trục giao thông chính phía Đông Nam của thành phố, từng bước mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa để phát triển hạ tầng các khu vực dọc tuyến đường. Đồng thời, giảm bớt áp lực lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ở các tuyến đường khu vực trung tâm vào giờ cao điểm.
Hiện nay, địa phương đang triển khai thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột; đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 - dự án được xây dựng đầu tiên trong 8 trục ngang của khu vực Tây Nguyên, kết nối từ cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đổi thay diện mạo nông thôn
Những năm gần đây, giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, đi lại thuận lợi. Với sự đồng lòng, chung sức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường ở các xã, phường đến tận các thôn, buôn được mở rộng, thảm nhựa. Đường đến đâu, diện mạo nông thôn đổi thay đến đó. Giao thông thông suốt không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện mà hàng hóa nông sản cũng được thông thương.
Với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", một trục đường giao tại thôn 8 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đã được hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo khu dân cư. |
Những năm qua, người dân thôn 8, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã đóng góp công sức, tiền của và hàng nghìn mét đất để mở rộng đường giao thông. Ông Hồ Cao Vinh (người dân thôn 8) bộc bạch: “Tôi từ Nghệ An vào đây sinh sống từ những năm 1978. Thời điểm đó, hầu hết đường sá trong thôn, xã chỉ là những con đường đất nhỏ hẹp. Đến những năm gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước và sự đồng lòng của nhân dân, gần như 100% các tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa. Đặc biệt, đầu năm 2024, khi Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân dân hai bên tuyến đường hiến đất, con đường phía trước nhà tôi đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp. Riêng gia đình tôi cũng đã tự nguyện hiến gần 100 m2 đất, chặt bỏ đi không ít cây trồng. Dù mất đất nhưng đổi lại chúng tôi có đường đẹp để đi, mà khi giao thông thuận lợi thì việc lưu thông hàng hóa, nông sản cũng thuận lợi, dễ dàng hơn”.
Tại buôn Dlung 1A và 1B, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ), cuối năm 2022, được Nhà nước hỗ trợ nâng cấp, cải tạo 10 trục đường với tổng chiều dài hơn 3,1 km. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 13,5 tỷ đồng, người dân đồng lòng hiến đất để bê tông hóa, mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo diện mạo khang trang, nâng cao đời sống nhân dân. Ông Y Chiến Niê (buôn Dlung 1B) chia sẻ, từ khi đường giao thông mở rộng, bê tông hóa khang trang, giao thương thuận lợi kéo theo hàng hóa nông sản được mở rộng tiêu thụ và giá cả cạnh tranh hơn. Không chỉ thế, giá đất cũng được nâng lên, một số hộ đã bán đi một phần đất để lấy vốn làm ăn, đầu tư tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội xác định 3 hành lang động lực của tỉnh gồm: Hành lang kinh tế tổng hợp (Quốc lộ 14), Hành lang phía Đông Bắc tỉnh (Quốc lộ 29) và Hành lang phía Đông (Quốc lộ 26 và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột). |
Anh Trường
Ý kiến bạn đọc