6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên
Ngày 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1337/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Kế hoạch đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Quy hoạch gồm: chuyển đổi cơ cấu, mô hình phát triển kinh tế vùng theo hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành có lợi thế; nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối phát triển vùng; phát triển kết cấu hạ tầng vùng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ; hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó là nhiệm vụ về phát triển hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ và khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ.
Đồng thời, các nhiệm vụ trọng tâm khác gồm: phát triển khu vực đô thị động lực và khu vực nông thôn; quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, phục hồi làm giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước, tài nguyên rừng; nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh.
Thành phố Buôn Ma Thuột đang phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, Kế hoạch định hướng xây dựng các khu thương mại - dịch vụ tại các đô thị lớn. Theo đó, phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ tương hỗ phát triển với các ngành nông nghiệp, công nghiệp. Phát triển dịch vụ logistic gắn với trung tâm vùng và hành lang kinh tế kết nối các hoạt động thương mại trong nội vùng, liên vùng hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất gắn với các thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Về kết cấu hạ tầng, Kế hoạch nêu rõ: Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trên cơ sở phù hợp các quy hoạch ngành giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phát huy lợi thế của các phương thức vận tải, bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế, giảm chi phí vận tải.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng năng lượng theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện mạng lưới điện trên địa bàn vùng đồng bộ, hiện đại theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt theo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng Tây Nguyên tập trung thực hiện 3 trụ cột của chuyển đổi số gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội đồng bộ trên địa bàn vùng bao gồm mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trợ giúp xã hội, mạng lưới cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao...
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc