Multimedia Đọc Báo in

Vốn vay ưu đãi - trợ lực phát triển kinh tế cho người dân vùng khó

08:35, 05/11/2024

Tính đến đầu tháng 10/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk đang triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ trên 584 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn gần 100 tỷ đồng, với 2.181 đối tượng vay và Chương trình cho vay giải quyết việc làm hơn 41 tỷ đồng, với 693 khách hàng. Hai chương trình này đang góp phần giúp người dân có nguồn vốn thực hiện tăng gia sản xuất, đầu tư các mô hình mang lại hiệu quả.

Đam mê văn hóa truyền thống của người M'nông, anh Nguyễn Văn Hiếu (tổ dân phố Hợp Thành, thị trấn Liên Sơn) nảy ra ý tưởng tạo ra không gian văn hóa của người M’nông để hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống cho người dân và khách du lịch.

Tháng 8/2023, anh Hiếu vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để hiện thực hóa ý tưởng. Từ nguồn vốn này, anh đã mua lại gỗ dựng nhà sàn, bếp và đồ trang trí của người M’nông như nơm, chóe, quả bầu khô, bàn ghế… và đặt tên là Vườn Nhà Út.

Mặc dù mới hoạt động hơn một năm nhưng nhà vườn này mỗi tuần đón hai đoàn khách từ 20 - 30 người tham quan, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ ăn uống. Khách hàng đến đây có thể thuê vườn nguyên ngày với giá 300.000 đồng/lượt để tự nấu nướng trong bếp của người M'nông hoặc đặt món ăn chế biến theo phong cách của người M'nông như: heo quay đồng bào, gỏi cà đắng, canh rau rừng lá bép, gà nướng cơm lam…

Đến nay, quán đã đi vào hoạt động ổn định, giúp anh Hiếu có nguồn thu nhập đáng kể. Anh rất muốn được tiếp cận thêm vốn vay của Ngân hàng CSXH để mở rộng không gian kinh doanh, thu hút thêm nhiều du khách.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu (tổ dân phố Hợp Thành, thị trấn Liên Sơn).

Được vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, anh Y Tiến Ênuôl (buôn Bhôk, xã Yang Tao) phát triển mô hình nuôi lươn không bùn đầu tiên tại huyện Lắk. Sau khi vay được vốn, anh đã đến trang trại lươn Sáu Sơn tại tỉnh Bình Dương học tập kỹ thuật nuôi lươn không bùn.

Sau khoảng một tuần học tập, anh mua 1 tạ lươn giống về nuôi trong hai bể bê tông có diện tích khoảng 25 m2. Anh Y Tiến sử dụng dây nhựa cột thành từng chùm để làm tổ, vừa là nơi trú ngụ, vừa là nơi cho lươn ăn; đồng thời, ghép gạch hoa dưới lòng bể để tránh ma sát bụng lươn, giúp lươn sinh trưởng khỏe mạnh.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, chọn giống và thức ăn nên lươn của anh có tỷ lệ sống trên 99%, ít bệnh tật và nhanh lớn. Mặc dù mới nuôi hơn 4 tháng nhưng đến nay anh đã bán được 48 kg lươn thịt với giá 150.000 đồng/kg.

Anh Tiến cho hay, việc nuôi lươn trong bể xi măng vừa giảm được nhân công lao động, tiết kiệm thời gian chăm sóc; vừa giảm diện tích, dễ vệ sinh, nếu thị trường tiêu thụ tốt có thể cho thu nhập ổn định. Thời gian tới anh dự kiến nhân rộng mô hình, xây thêm bể nuôi để thử nghiệm với các món ăn chế biến từ lươn như lươn khô, lươn một nắng… Bởi vậy, anh rất hy vọng Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay thêm vốn để nhân rộng, phát triển mô hình này.

Mô hình nuôi lươn không bùn từ vốn vay tín dụng chính sách của anh Y Tiến Ênuôl (buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lắk).

Ông Phạm Công Hùng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lắk cho biết, mặc dù hai nguồn vốn giải quyết việc làm và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã tạo điều kiện cho lao động tại địa phương không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên hiện nay nguồn vốn chưa đủ để đáp ứng hết được nhu cầu vay vốn của người dân tại địa phương.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ kiến nghị với Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh bố trí thêm hai nguồn vốn này về địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình khác nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Phòng giao dịch sẽ chú trọng xây dựng các mô hình điển hình để nhân rộng, tiếp tục quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng…

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.