Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh
Là đô thị miền núi, dĩ nhiên Buôn Ma Thuột không thiếu những không gian xanh để cho người dân địa phương cũng như du khách tận hưởng và trải nghiệm.
Từ những buôn làng truyền thống tồn tại và phát triển trong lòng thành phố hàng trăm năm qua của người Êđê tại chỗ, cho đến rất nhiều công viên, lâm viên được xây dựng trong vài thập niên qua đã tạo nên không gian xanh bao trùm bình yên và thân thiện, để lại ấn tượng khó quên cho những ai từng đặt chân lên đô thị này.
Những buôn làng trong phố (Akô Dhông, Dhă Prong, Ea Bông, Kmrơng Prong B, Kô Tam, Alê A, buôn Ky) với nét kiến trúc nhà dài, rừng đầu nguồn, bến nước đặc trưng của người Êđê được coi là không gian bình yên và tuyệt đẹp của thành phố này. Người dân bản địa coi những yếu tố tự nhiên ấy là những “sinh thể sống”, luôn gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Và cũng từ triết lý đó, chính quyền thành phố đã nhất quán vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo những “sinh thể sống” kia vào việc quy hoạch, xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột hiện đại, văn minh, giàu bản sắc.
Khuôn viên xanh của Bảo tàng Đắk Lắk và Biệt điện Bảo Đại được xem là “lá phổi xanh” của đô thị Buôn Ma Thuột. |
Có thể nói, đến nay mục tiêu trên từng bước được hiện thực hóa từ “quỹ kiến trúc” đặc trưng ấy. Nhiều chuyên gia quy hoạch, xây dựng đô thị nhìn nhận: Buôn Ma Thuột là một trong số ít đô thị ở Việt Nam cũng như trên thế giới còn lưu giữ vốn kiến trúc, không gian buôn làng cổ xưa của người bản địa. Vốn di sản quý báu này sẽ là yếu tố làm nên sự khác biệt, độc đáo và giàu bản sắc cho Buôn Ma Thuột trong tiến trình hiện đại hóa, xứng đáng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Vì thế, việc tôn trọng và kết nối không gian, kiến trúc của “buôn trong phố” với xu thế tôn tạo, mở rộng đô thị miền núi này trước hiện tại cũng như tương lai là vấn đề cần phải được người dân, chính quyền địa phương nhận thức đúng mức và đặc biệt quan tâm.
Nhận thức ấy đang được các cộng đồng dân cư cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan thể hiện rõ và nhất quán trong việc quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng trong thời gian qua. Đến nay, tại những khu đô thị hiện hữu cũng như các khu đô thị mới được xây dựng trên địa bàn các phường, xã (Tân An, Tân Hòa, Tân Lợi, Ea Tu, Ea Kao…) luôn tuân thủ nguyên tắc xây dựng trên. Có nghĩa là đặt tiêu chí bản sắc và sự kết nối không gian giữa truyền thống và hiện đại lên hàng đầu nhằm thực hiện mục tiêu kiến tạo nên gương mặt, dáng dấp riêng có cho đô thị này từ cấu trúc đan xen giữa các khu phố mới, công trình công cộng với những buôn làng đã có từ lâu trong lòng thành phố.
Buôn Ma Thuột, một đô thị miền núi giàu bản sắc trên cả hai phương diện truyền thống và hiện đại đang dần hiện ra ngày càng rõ nét trong tiến trình mở rộng, phát triển. Nhiều chủ trương, giải pháp để đặt đô thị Buôn Ma Thuột vào vị thế hài hòa ấy đã được chính quyền địa phương chú trọng thúc đẩy, nhất là trong công tác quy hoạch kiến trúc đô thị hiện nay”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng, những không gian xanh ở đây đang được chính quyền sở tại tiếp tục kiến tạo dựa trên tổng thể quy hoạch, xây dựng khá hài hòa trước đó của chính quyền thành phố.
Yếu tố giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại luôn được cân nhắc cho mỗi công trình, khu phố, tuyến phố (từ nhà ở cho đến cơ quan, công sở) nhằm gia tăng cảm xúc thân thiện với môi trường tự nhiên cho đô thị miền núi này.
Đến nay, bên cạnh những không gian xanh là buôn làng trong phố kết nối với rừng cây, bến nước, hành lang sông suối, lòng hồ tự nhiên (Kô Tam, Ea Nao, Ea Nuôl, Ea Kao) và hàng chục công viên, lâm viên lớn nhỏ đã được xây dựng, định hình dọc theo những tuyến phố rộng lớn (Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Lương Bằng, Võ Văn Kiệt…) đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị sinh thái rõ nét hơn.
Theo đó, việc đánh giá về hiện trạng các buôn làng hiện hữu trên địa bàn (về các mặt kiến trúc, cảnh quan, môi trường và văn hóa, nhân văn) nhằm có giải pháp tôn tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng tại chỗ, cũng như những công trình kiến trúc mang dấu ấn bản địa cũng được các cơ quan chức năng tiến hành để vừa bảo tồn, vừa kế thừa sáng tạo song hành với quá trình quy hoạch và xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Trong lộ trình đi đến mục tiêu ấy, chính quyền thành phố đặc biệt chú trọng việc tổ chức và kết nối không gian xanh cho những khu đô thị hiện hữu cũng như các khu đô thị mới với tư duy, tầm nhìn tôn trọng cấu trúc buôn làng người Êđê tại chỗ.
Không gian xanh buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) luôn tạo cảm giác thân thiện với thiên nhiên. Ảnh: Tuấn Long |
Kết nối và phát triển không gian xanh từ buôn làng truyền thống ra những khu phố hiện đại là hướng đi đầy gợi mở để có thể xây dựng TP. Buôn Ma Thuột có bản sắc, cả về đời sống cho cộng đồng thành thị lẫn diện mạo kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và nhân văn được các cộng đồng dân tộc ở đây vun đắp, tôn tạo, gìn giữ và phát huy hàng trăm năm qua.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc