Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

08:20, 05/12/2024

Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững" đã được các cấp hội nông dân trong tỉnh triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua phong trào đã khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng làm giàu của nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Biết nắm bắt nhu cầu thị trường

Là một trong những người tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, hiện nay gia đình ông Nguyễn Viết Sửu (thôn 19/8, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) đang sở hữu 2 ha sầu riêng trồng chuyên canh ở giai đoạn cho thu hoạch. Niên vụ vừa qua, ông Sửu thu về gần 50 tấn quả, đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng.

Để gây dựng được mô hình kinh tế như vậy, ông Sửu cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn. Ông Sửu chia sẻ: “Khi vườn cà phê đã già cỗi cho năng suất kém, lại thấy nhu cầu xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, giá sầu riêng luôn ở mức cao nên tôi đã quyết định cải tạo lại diện tích đất hiện có để trồng loại cây này. Trên thực tế, khi chuyển sang canh tác loại cây trồng mới, đòi hỏi nông dân phải nắm vững quy trình chọn giống, chăm sóc tỉ mỉ, đúng thời điểm, mới mang lại sản lượng và cho hiệu quả kinh tế cao”.

Cán bộ Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột tham quan quy trình sản xuất cà phê hữu cơ của hội viên nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Không chỉ là một trong những cá nhân đạt danh hiệu nông dân Đắk Lắk xuất sắc năm 2024, bà Nguyễn Thị Hoa (tổ dân phố 6, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) còn được biết đến là một chi hội trưởng nông dân năng nổ, nhiệt tình. Hiện gia đình bà Hoa đang có 1 xưởng sản xuất bao tay bảo hộ lao động, 1 nhà nuôi yến và 3 ha trồng tiêu, cà phê, xen cây ăn trái, cho tổng thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí.

Mô hình kinh tế của bà Hoa còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động là con em của hội viên nông dân ở địa phương với mức thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.

Nói đến cơ duyên gắn bó với nghề sản xuất bao tay, bà Hoa cho hay, năm 2000 nhận thấy nhu cầu sử dụng bao tay trong lao động, sản xuất ở địa phương khá lớn, đặc biệt là vào các mùa vụ, bà đã tự xuống TP. Hồ Chí Minh, đến tận các cơ sở sản xuất bao tay để học nghề rồi mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất. Trải qua nhiều khó khăn ban đầu về hoàn thiện sản phẩm và thị trường tiêu thụ, đến nay bà Hoa đã xây dựng được khu nhà xưởng rộng hơn 200 m2, với 50 máy dệt bao tay sợi hoạt động liên tục, trung bình mỗi ngày sản xuất trên 6.000 đôi bao tay, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tạo động lực cho nông dân

Xác định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào chủ chốt, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tích cực tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí; phối hợp chuyển giao kỹ thuật; chỉ đạo xây dựng mô hình điểm. Đồng thời, tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết đánh giá, nhân rộng những điển hình tiên tiến; tham quan học tập các mô hình hiệu quả để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Qua đó, đưa phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp, tạo động lực, nông dân hăng hái thi đua sản xuất, cùng nhau làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Hoa (bên phải) giới thiệu quy trình sản xuất bao tay bảo hộ lao động.

Bình quân hằng năm có trên 202.000 lượt hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hơn 50% hộ đạt danh hiệu, với mức thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, trong đó hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22,07 %.

Trong 10 năm (2014 - 2024), các cấp hội nông dân đã trực tiếp và phối hợp mở 59 lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể cho hơn 5.300 cán bộ, hội viên, nông dân ở cơ sở; hỗ trợ, hướng dẫn nông hộ xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực; tư vấn, hướng dẫn nông dân các bước thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã theo quy định; tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, kết nối tiêu thụ nông sản mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…

Cụ thể, các cấp hội đã phối hợp xây dựng 250 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; vận động hướng dẫn xây dựng được 66 hợp tác xã với hơn 1.500 thành viên, 164 tổ hợp tác với gần 1.600 thành viên, 334 chi hội, tổ hội nghề nghiệp với trên 4.300 hội viên.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ya Toan Ênuôl khẳng định, thời gian qua các cấp hội đã tích cực cụ thể hóa các hoạt động để đẩy mạnh thi đua sản xuất kinh doanh, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo. Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân không chỉ xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh mà còn tích cực tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. Những thành tích ấn tượng của nông dân Đắk Lắk đại diện cho ý chí, nỗ lực sáng tạo, vươn lên của rất nhiều nông dân thời đại mới; đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ năm 2014 -đến 2024, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hỗ trợ trên 62,4 tỷ đồng, hơn  692.000 cây, con giống các loại và gần 26.500 tấn phân bón để góp phần cùng với địa phương giúp hơn 22.800 lượt nông hộ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc