Multimedia Đọc Báo in

Làm sao để đưa thị trường vàng vào đúng quỹ đạo?

07:15, 02/12/2024

Những ngày qua, từ nghị trường Quốc hội đến dư luận xã hội rất "nóng" câu chuyện giá vàng. Hàng loạt những bất cập như: tình trạng giá vàng "nhảy múa", giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, giải pháp để quản lý hiệu quả thị trường vàng trong nước... được dư luận rất quan tâm.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới và trong nước liên tục lập đỉnh mới. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC). Cùng với đó là các biến động về địa chính trị cũng như leo thang quân sự đã khiến nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… liên tục mua và tích trữ vàng vật lý số lượng lớn. Đồng thời, các nhà đầu tư gom vàng với nhận định vàng luôn là “hầm trú ẩn” an toàn chống lạm phát và chống khủng hoảng.

Điều đáng nói ở đây là trước biến động của giá vàng thế giới phản ánh quy luật cung – cầu, giá vàng trong nước lại tăng như vũ bão mà nguyên nhân chưa hẳn đã phản ánh đúng bản chất của quy luật thị trường. Đặc biệt là khoảng cách giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới ở mức 18 – 20 triệu đồng/lượng, giá vàng có thời điểm chạm đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng. Lại có những thời điểm giá vàng "lao dốc" không phanh. Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới và nhất là trong một khoảng thời gian rất ngắn, giá vàng liên tục "nhảy múa" đã đặt ra dấu hỏi lớn về vai trò của cơ quan quản lý đối với mặt hàng đặc biệt này.

Loại bỏ những phân tích về quy luật cung – cầu, diễn biến thị trường thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh tác động từ diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng không hề nhỏ từ những yếu tố trong nước. Nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ đã bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, dựa trên cảm xúc thay vì nhìn nhận kỹ lưỡng bối cảnh thị trường. Khi giá vàng tăng, tâm lý này thường khiến nhà đầu tư vội vàng mua vào do sợ bỏ lỡ cơ hội, hoặc khi giá giảm sâu, họ vội bán ra do lo bị thua lỗ. Điều này có thể dẫn đến những biến động giá mạnh và thường không phản ánh giá trị thực tế của vàng, mà chỉ là phản ứng đối với nhận định của số đông về tương lai của thị trường.

Trong khi đó, để tăng nguồn cung nhằm “hạ nhiệt” giá vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Tuy nhiên biện pháp này không những không giúp giá vàng “giảm nhiệt” mà còn tăng thêm, bởi bản chất đấu giá là đơn vị nào đưa ra giá cao nhất sẽ trúng đấu giá. Và khi mua vào với giá cao thì đơn vị trúng đấu giá cũng sẽ bán ra với giá cao hơn.

Hoạt động kinh doanh vàng hiện đang thực hiện theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, ngày 3/4/2012 của Chính phủ. Tinh thần của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là giao Ngân hàng Nhà nước quản lý, độc quyền sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên việc áp dụng nghị định này đang có sự “lẫn lộn” giữa vàng miếng ngoại hối (dự trữ) và vàng miếng hàng hóa khi lấy nhãn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Điều này đã dẫn đến tình trạng độc quyền đối với thị trường vàng miếng.

Không phải cơ quan quản lý nhà nước không nhận ra vấn đề của thị trường vàng, nhưng có thể thấy rằng những phản ứng, giải pháp đề ra chưa thật sự hiệu quả. Với một thị trường bị chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố tâm lý của nhà đầu tư, cộng với những công cụ quản lý chưa hiệu quả khiến thị trường vàng có thể đang bị thao túng. Điều này cũng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhắc đến khi trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội vào sáng 11/11. Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới. Phải khắc phục những tồn tại đã nói ở trên để giải quyết được “khả năng đang bị thao túng” sẽ là một trong những mấu chốt quan trọng để thị trường vàng Việt Nam vào đúng quỹ đạo.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.